Triển lãm Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Lịch sử khoa cử Việt Nam

 Tại triển lãm, công chúng được tiếp cận các hình ảnh, tư liệu về kiến trúc của Văn Miếu-Quốc Tử Giám và những dấu ấn của khoa cử thời xưa. Đây là một hoạt động để chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9…

Các hình ảnh trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TTXVN
Các hình ảnh trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TTXVN
Ngày 11/8, tại Bảo tàng tỉnh An Giang, Bảo tàng tỉnh An Giang phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khai mạc triển lãm chuyên đề “Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long-Hà Nội và Lịch sử khoa cử Việt Nam".
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2017), kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2017) và 72 năm ngày truyền thống ngành văn hóa thông tin (28/8/1945-28/8/2017).

Với 80 hình ảnh, tư liệu và hiện vật trưng bày, triển lãm giới thiệu đến công chúng một cách nhìn khái quát về sự hình thành và phát triển của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, 82 bia tiến sĩ dựng tại di tích đã được công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới và lịch sử khoa cử Việt Nam.

Khoa cử Việt Nam vốn có truyền thống từ nghìn năm, được đánh dấu từ năm 1075 với khoa thi Tam Trường do vua Lý Nhân Tông tổ chức để chọn những người Minh kinh bác học cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 dưới triều vua Khải Định. Qua 183 kỳ đại thí do triều đình đứng ra tổ chức, đã tuyển chọn được gần 2.900 nhà khoa bảng gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân.

Hiện nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ 82 tấm bia tiến sĩ khắc họ tên, quê quán của các vị tiến sĩ đỗ trong các kỳ thi dưới thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng (từ 1442 đến 1779). Trải qua các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê Trung hưng và triều Nguyễn, khoa cử và giáo dục Nho học Việt Nam được kế thừa, bổ sung và hoàn thiện.

Tại triển lãm, công chúng được tiếp cận các hình ảnh, tư liệu về kiến trúc Văn Miếu-Quốc Tử Giám như cổng, gác chuông, gác khánh, sân, tả vu, hữu vu, tiền đường, hậu đường…

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hiện vật gắn với Quốc Tử Giám Thăng Long năm 1998 như nghiên mực phục chế, sách học, ván khắc in sách, bài thi Đình đối; hòm sách, giá văn và cuốn thư... cùng các bảng bia tiến sĩ ghi danh những người đỗ đạt cao.

Theo Ban Tổ chức, mặc dù không gian triển lãm chưa đủ để chuyển tải hết các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám chứa đựng, nhưng đây là bước đầu của sự giao lưu, phối hợp với tinh thần trân trọng, hợp tác, học tập kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Triển lãm cũng là dịp để Bảo tàng An Giang tuyên truyền, quảng bá những nét độc đáo của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, một khu di tích lịch sử-văn hóa lớn ở trung tâm Thủ đô, biểu trưng cho tiến trình văn hóa của Việt Nam và nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Triển lãm Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long-Hà Nội và Lịch sử khoa cử Việt Nam diễn ra đến ngày 11/9.

Theo Báo Chính Phủ/TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.