Múa dân gian đương đại không chỉ là hoạt động giải trí mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Bộ môn này đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hình thể và biểu cảm khuôn mặt, từ đó giúp học viên rèn luyện trí nhớ, sự tập trung và phong thái tự tin.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (phường Hà Giang 2, Tuyên Quang) cho biết: “Múa dân gian đương đại giúp tôi có cơ thể dẻo dai, mềm mại và linh hoạt hơn; tâm trạng vui vẻ, thoải mái sau những giờ học tập căng thẳng”.
Còn chị Hoàng Thu Thảo (Tổ dân phố Tân Quang 6, phường Minh Xuân) bày tỏ, dù ban đầu gặp nhiều khó khăn do cơ thể cứng và khó cảm thụ âm nhạc, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, đến nay chị có thể biểu diễn thành thạo các bài múa và tự tin tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ của phường. Đồng thời, sức khỏe của chị cũng dần cải thiện.

NSƯT Thanh Hương, nguyên Phó trưởng đoàn Nghệ thuật Tuyên Quang chia sẻ: “Với tôi, mỗi điệu múa không chỉ là động tác. Đó là linh hồn của một vùng đất, là tiếng nói của một cộng đồng. Khi dạy các học viên, tôi luôn muốn truyền tải không chỉ kỹ thuật mà còn là tinh thần của điệu múa. Ví dụ như bài “Má hồng”, “Bèo dạt mây trôi”, “Hoa của núi”… ẩn chứa vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt. Mỗi lần học viên thực hiện đúng điệu, đúng thần thái, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Pretty Toes (phường Minh Xuân) có nhiều năm dạy múa, trong đó có các điệu múa dân gian nhấn mạnh: Học múa dân gian là cách để chúng ta tìm về chính mình, tìm về những điều giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc đã làm nên bản sắc Việt. Trong mỗi điệu múa, các học viên nhí sẽ cảm nhận vẻ đẹp văn hóa nguồn cội. Điều đó giúp người học không chỉ có sức khỏe mà còn có một tâm hồn phong phú, biết trân trọng những giá trị tốt đẹp.
Nhiều người dân Tuyên Quang tìm học những điệu múa dân gian không chỉ để có cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh mà còn khơi dậy nét đẹp văn hóa nguồn cội của dân tộc.