Khi giá cả leo thang, chính sách nhập cư gây tranh cãi và bầu không khí xã hội trở nên bất ổn, cả du khách nội địa lẫn quốc tế đều dè dặt bước chân đến “xứ cờ hoa”.
Mùa Hè trầm lắng
Anh Miguel Olave cùng vợ và bốn cậu con trai thường dành mỗi mùa Hè để khám phá một vùng đất mới tại Mỹ. Những năm qua, cả gia đình cùng nhau du lịch từ Disney World nhộn nhịp đến thành phố New York hoa lệ. Thế nhưng năm nay, truyền thống này tạm ngừng.
Sống tại Derby, vùng ngoại ô bang Kansas (Mỹ), Olave cho biết, gia đình anh đã quyết định không tổ chức bất kỳ chuyến đi nào vào mùa Hè này. Lý do là những bất ổn kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. “Chúng tôi đã cân nhắc và đi đến quyết định dừng các kế hoạch du lịch. Tình hình hiện tại khiến chúng tôi không thể đoán trước được điều gì và cần tiết kiệm hơn”, anh Olave nói.
Áp lực tài chính là nguyên nhân chính. Mỗi đồng thu nhập giờ đây đều ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu, thay vì những chuyến đi mang lại niềm vui nhưng lại tiêu tốn kha khá. Chi phí sinh hoạt leo thang khiến ngân sách gia đình buộc phải thu hẹp. “Thông thường, đến giữa tháng, chúng tôi tiêu khoảng 350 - 400 USD cho thực phẩm. Nhưng riêng tháng này, con số đó gần chạm mốc 600 USD”, anh chia sẻ.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), dù giá hàng tạp hóa vừa giảm nhẹ 0,1%, mức giảm lớn nhất trong gần 5 năm qua, nhưng vẫn cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước viễn cảnh thị trường lao động chưa chắc chắn, Olave, với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tiếp thị, chọn cách giữ chặt hầu bao.
Vợ chồng anh đều tin rằng điều khôn ngoan nhất lúc này là tiết kiệm tối đa có thể. Gia đình anh không phải trường hợp duy nhất. Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 13 năm. Những du khách trung thành như Olave nay cũng lùi bước.
Một khảo sát do Travel Weekly thực hiện cho thấy 57% các cố vấn du lịch nhận định lượng khách hàng sụt giảm. 63% cho rằng sự bất ổn kinh tế là một trong ba nguyên nhân hàng đầu khiến khách do dự khi lên kế hoạch du lịch.
Xu hướng thắt chặt chi tiêu không chỉ dừng lại ở nội địa. Một báo cáo mới từ Ngân hàng Mỹ cho thấy người tiêu dùng đang trì hoãn quyết định chi tiền cho chỗ ở và các chuyến bay. Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Flighthub cũng cho thấy lượng đặt phòng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo tài chính quý I, Expedia, một trong những “ông lớn” ngành du lịch, thừa nhận tốc độ tăng trưởng tại thị trường Mỹ đang chững lại. Nguyên nhân chính là nhu cầu nội địa thấp hơn rõ rệt so với các khu vực khác trên thế giới.
Trước làn sóng cắt giảm chi tiêu, giá vé máy bay đang lao dốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố mới nhất cho thấy giá vé máy bay tiếp tục giảm 2,7% trong tháng 5, nối tiếp mức giảm 2,8% hồi tháng 4 và 5,3% vào tháng 3.
Ngay cả những người vẫn có nhu cầu đi lại cũng đang “liệu cơm gắp mắm”. Theo khảo sát của công ty tiếp thị du lịch MMGY, 24% hành khách chuyển sang lựa chọn phương tiện rẻ hơn. 22% rút ngắn thời gian lưu trú để tiết kiệm chi phí.

Du khách quốc tế chùn bước
Không chỉ yếu tố kinh tế, làn sóng sụt giảm du khách quốc tế đến Mỹ còn xuất phát từ bầu không khí chính trị căng thẳng và những chính sách nhập cư gây tranh cãi.
Ông Adam Sacks, Chủ tịch Tourism Economics (thuộc Oxford Economics), nhận định chính những “phát ngôn gây chia rẽ và chính sách thiếu thân thiện” đã làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia. “Từ việc tổng thống gọi Canada là ‘bang thứ 51’, nói đùa về Greenland, cho đến việc xa rời các đồng minh truyền thống và cách tiếp cận hung hăng với Trung Quốc trong thương mại, tất cả đã định hình một hình ảnh không mấy hấp dẫn về nước Mỹ”, ông nói.
Theo Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ, lượng du khách quốc tế đến nước này đã giảm 14% trong tháng 3. Nếu xu hướng này kéo dài hết năm, ngành du lịch Mỹ có thể thiệt hại tới 21 tỷ USD.
Canada, đất nước có nguồn khách du lịch đến Mỹ cao nhất, cũng chứng kiến mức sụt giảm mạnh. Cụ thể, lượng du khách qua biên giới đường bộ giảm 26% trong tháng 3. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Canada cho thấy, trong tháng 4, số lượt xe quay lại Mỹ giảm tới 35,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp chứng kiến đà sụt giảm. “Bất cứ nơi nào nhìn tới, chúng tôi đều thấy dấu hiệu cho thấy lượng khách đến Mỹ đang tiếp tục giảm”, ông Sacks nhận xét.
Không chỉ hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng, các chính sách nhập cư nghiêm ngặt đặc biệt dưới thời chính quyền Trump, đang khiến du khách lo ngại bị đối xử bất công. Chị Jasmine Mooney, nữ diễn viên người Canada, từng bị giam giữ tới 12 ngày bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) khi xin thị thực tại cửa khẩu San Ysidro, biên giới Mexico - Mỹ.
Hai thiếu nữ người Đức, Maria Lepere và Charlotte Pohl, bị trục xuất khỏi Hawaii chỉ vì không đặt phòng khách sạn trước. Một nhà khoa học người Pháp cũng bị từ chối nhập cảnh vì trong điện thoại có tin nhắn chỉ trích Tổng thống Mỹ.
“Chúng tôi khuyến nghị mọi người, nhất là những người không mang quốc tịch Mỹ, nên tham khảo ý kiến của luật sư trước khi lên đường hoặc ít nhất cũng lưu sẵn số điện thoại của người đại diện trong trường hợp bị giữ lại tại sân bay. Mức độ bất định hiện nay khiến không ai có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra”, luật sư Noor Zafar, làm việc tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, cho biết.

Niềm tin lung lay
Những cảnh báo ấy không còn là chuyện viễn tưởng. Oxford Economics dự báo lượng khách du lịch từ Canada đến Mỹ sẽ giảm tới 20,2% trong năm 2025, trong khi tổng lượng khách quốc tế được dự đoán sẽ giảm 9,4% - một sự đảo chiều nghiêm trọng so với báo cáo tháng 12 năm ngoái vốn kỳ vọng mức tăng trưởng 8,8%.
Trên các diễn đàn du lịch trực tuyến, làn sóng “quay lưng với nước Mỹ” đang lan rộng. Ngày càng nhiều người chọn châu Âu, Canada hoặc các quốc gia khác thay vì đặt vé đến “xứ cờ hoa”. Nhiều người bày tỏ lo ngại về an ninh, quyền lợi bị xâm phạm và thái độ không thân thiện từ phía chính quyền Mỹ.
Những số liệu từ các nền tảng du lịch càng củng cố xu hướng ấy. Giám đốc tài chính của Airbnb, Ellie Mertz, thừa nhận lượng khách Canada đến Mỹ đã giảm rõ rệt, trong khi chi tiêu tại các điểm đến ở châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á lại tăng.
Nền tảng đặt phòng khách sạn HotelPlanner ghi nhận lượng đặt phòng từ du khách quốc tế đến Mỹ trong tháng 4 đã giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Canada và Anh là hai thị trường giảm mạnh nhất, với mức sụt giảm lần lượt là 52% và 33%.
Các hãng hàng không đang tìm cách để thích nghi. Air France-KLM giảm giá vé phổ thông cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển hay khu vực Mỹ Latinh. Ngay cả những đồng minh lâu đời như Vương quốc Anh và Đức cũng đã ban hành cảnh báo du lịch đối với công dân có ý định đến Mỹ, viện lý do “môi trường xã hội và chính trị không an toàn với người nước ngoài”.
Luật sư Zafar bình luận: “Cảm giác chung hiện tại là sợ hãi. Không ai biết được chính quyền này sẽ còn đẩy mọi thứ đi xa đến mức nào”.

Nền kinh tế dao động
Sự suy giảm du lịch không chỉ khiến các chuyến bay trở nên vắng khách hay khách sạn thiếu vắng du khách, mà còn tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ, nơi mà ngành du lịch từng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và tạo việc làm.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ (U.S. Travel Association), du lịch quốc tế từng đóng góp gần 2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm trước đại dịch. Trong năm 2019, trước khi Covid-19 bùng nổ, du khách quốc tế chi tiêu hơn 233 tỷ USD, trở thành nguồn xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của quốc gia này.
Việc sụt giảm lượng khách quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường chủ chốt như Canada, Anh, Đức và Nhật Bản, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ trong ngành lưu trú, nhà hàng, vận tải, bán lẻ và giải trí, vốn phụ thuộc lớn vào dòng khách du lịch, đang gặp khó khăn.
Dự báo của Tourism Economics cho thấy, nếu xu hướng này tiếp diễn, Mỹ có thể mất đến 21 tỷ USD trong năm 2025 chỉ riêng từ thị trường du lịch quốc tế. Tác động không chỉ dừng lại ở các trung tâm du lịch lớn như New York, Los Angeles hay Las Vegas, mà còn lan đến những cộng đồng nhỏ sống dựa vào du lịch xuyên biên giới và du khách nước ngoài.
Ngoài ra, du lịch cũng là ngành sử dụng lao động lớn. Trước đại dịch, ngành du lịch Mỹ hỗ trợ hơn 9 triệu việc làm, bao gồm cả lao động bán thời gian và toàn thời gian. Sự sụt giảm khách du lịch kéo theo tỷ lệ cắt giảm việc làm và thời gian làm việc, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, người nhập cư và lao động không có bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Các thành phố có sân bay quốc tế lớn như Miami, Seattle, Chicago hay San Francisco, nơi lượng khách quốc tế thường đóng góp phần lớn doanh thu ngành dịch vụ, cũng đang chứng kiến sự thâm hụt ngân sách cục bộ do doanh thu thuế từ du lịch, lưu trú và giải trí sụt giảm.
Một phân tích gần đây của U.S. Travel và Oxford Economics chỉ ra rằng mỗi 1% sụt giảm trong chi tiêu du lịch có thể dẫn đến tổn thất hàng tỷ USD doanh thu thuế địa phương và liên bang, từ đó ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cho các dịch vụ công cộng như giáo dục, giao thông, y tế và an sinh xã hội.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế, chính sách nhập cư gây tranh cãi và niềm tin người tiêu dùng suy giảm, ngành du lịch Mỹ đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau đại dịch.
Những con số thống kê cho thấy sự sụt giảm không chỉ là nhất thời mà có thể kéo dài, để lại hậu quả lâu dài lên nền kinh tế, thị trường lao động và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Nếu không có sự điều chỉnh chính sách và nỗ lực khôi phục niềm tin, ngành du lịch Mỹ có thể sẽ mất nhiều năm để hồi phục về mức trước đây.