Tuy nhiên, phát hiện này còn là một bằng chứng quan trọng cho giả thuyết rằng sự sống trên Trái Đất có thể đã xuất phát từ một sao chổi.
Thông tin này là phát hiện đầu tiên cho thấy một sao chổi có thể giải phóng một lượng cồn ethyl lớn tới vậy - tương đương với 500 chai rượu vang mỗi giây.
“Chúng tôi đã phát hiện ra rằng sao chổi Lovejoy đã giải phóng lượng cồn tương đương với ít nhất 500 chai rượu vang mỗi giây trong quá trình hoạt động mạnh nhất của nó,” tác giả chính của nghiên cứu, Nicolas Biver đến từ đài quan sát Paris ở Pháp cho biết trong một nghiên cứu được đăng trên tờ Science Advances ngày 23/10.
Các nhà khoa học đã mô tả việc phát hiện 21 phân tử hữu cơ khác nhau trong các hợp chất được sao chổi giải phóng, trong đó có ethyl alcohol - nguyên liệu được sử dụng trong các loại đồ uống có cồn, và glycolaldehyde - một loại đường.
Một số nhà khoa học tin tưởng chắc chắn rằng sao chổi - những vật thể bị đóng băng còn sót lại sau quá trình hình thành hệ Mặt Trời của chúng ta, có thể đã mang những phân tử cần thiết cho sự sống xuất hiện trên Trái Đất.
Phát hiện này đã được thực hiện khi sao chổi Lovejoy (với tên hiệu C/2014 Q2) tiếp cận gần nhất với Mặt Trời vào ngày 30/01. Đây là một trong số những sao chổi sáng nhất và cũng là một trong số “những sao chổi hoạt động tích cực nhất trong lân cận quỹ đạo của Trái Đất,” các nhà khoa học cho biết.
Tại thời điểm đó, Lovejoy đang giải phóng nước với tốc độ 20 tấn/giây, NASA cho biết. Vị trí tương đối gần Mặt Trời khiến cho ngôi sao chổi bị đốt nóng này giải phóng nhiều loại khí khác nhau. Các nhà khoa học đã tận dụng cơ hội này để tìm hiểu xem trong đó có những phân tử nào.
Nhóm nghiên cứu đã đo đạc tần số vi sóng của mỗi phân tử phát ra sau khi được ánh nắng Mặt Trời cung cấp năng lượng. Mỗi loại phân tử lại có bức sóng đặc trưng riêng, giúp ta nhận diện từng loại.
“Kết quả thu được rõ ràng đã củng cố cho giả thuyết cho rằng sao chổi mang theo những hợp chất hóa học rất phức tạp,” một đồng tác giả của nghiên cứu, Stefanie Milam đến từ Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland cho biết.
“Trong biến cố Late Heavy Bombardment xảy ra cách đây khoảng 3,8 tỷ năm, khi có rất nhiều sao chổi và thiên thạch đâm xuống Trái Đất, và chúng ta bắt đầu có những đại dương đầu tiên, sự sống không phải bắt đầu từ những phân tử đơn giản như nước, carbon monoxide và nitrogen.
Thay vào đó, sự sống có được những nguyên liệu tinh tế hơn nhiều về mặt phân tử. Chúng tôi phát hiện được những phân tử với nhiều nguyên tử carbon.
Và bạn có thể thấy được nguồn gốc hình thành đường, cũng như những chất hữu cơ phức tạp khác như amino acid (đơn vị hình thành protein) hay các nucleobase, đơn vị hình thành DNA. Những phân tử này có thể bắt đầu hình thành một cách dễ dàng hơn nhiều so với việc bắt đầu từ những phân tử chỉ có hai hay ba nguyên tử,” Milam cho biết.