(GD&TĐ) - Ở kỳ trước, Báo Giáo dục & Thời đại đã có bài phản ánh về việc trường THPT Đa Phúc bỗng dưng trả lại vườn thực nghiệm cho Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn. Sự việc đã gây bất bình cho nhiều cán bộ, giáo viên đã và đang công tác tại nhà trường. Câu chuyện càng trở nên căng thẳng hơn khi cán bộ, giáo viên phát hiện ngày 20/6/2009 (sau 9 ngày kể từ khi trường Đa Phúc có văn bản trả vườn thực nghiệm), lãnh đạo Công ty đã giao cho chính ông Lê Thanh Nghị (người được nhà trường cử vào trông coi khu vườn) hợp thức quản lý và sử dụng theo bản hợp đồng số 08/HĐ-QLBVR.
Ông Lê Thanh Nghị đã tự ý xây dựng dựng trái phép trên khu đất vườn thực nghiệm, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để? |
Kịch bản quản lý trông coi vườn thực nghiệm?
Bày tỏ sự hoài nghi về vấn đề nêu trên, gần 20 cán bộ, giáo viên đã và đang công tác tại trường THPT Đa Phúc không khỏi bức xúc phản ánh với phóng viên chuyên mục Hộp thư bạn đọc: “Phải chăng việc ông Nghị nhận trông coi vườn thực nghiệm, tiếp đến là công văn của nhà trường do ông Nguyễn Tu Tập (Lúc bấy giờ là hiệu trưởng ký) trả lại khu vườn, cuối cùng là bản hợp đồng giữa Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệm Sóc Sơn với ông Lê Thanh Nghị đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, liệu có hay không một màn kịch đã được dàn dựng công phu để hợp thức hóa lô đất của khu vườn thực nghiệm cho ông Nghị “quản lý trông coi”.
Thầy Ngô Vĩnh Dụng – Nguyên hiệu phó nhà trường và một số giáo viên đang công tác nói với chúng tôi trong nỗi bất bình: “Thật không thể tin nổi, từ một người được nhà trường cử vào để trông coi vườn thực nghiệm, nhưng không hiểu bằng cách nào mà ông Nghị đã chuyển toàn bộ khu vườn thực nghiệm đó vào tay mình vậy mà không hề bị nhà trường xử lý. Được biết, nếu tính về giá trị kinh tế, khu vườn có giá trị đến vài tỷ đồng. Do vậy chúng tôi đồ rằng, điều đó ít nhiều cũng có liên quan đến màn kịch để cho ông Nghị được “danh chính ngôn thuận" trông coi quản lý khu vườn thực nghiệm”.
Bản hợp đồng số 08/HĐ-QLBVR ngày 20/6/2009, giữa Lâm trường Sóc Sơn (nay là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp huyện Sóc Sơn) với ông Lê Thanh Nghị |
....Và những dấu hiệu sai phạm
Điều đáng nói là, sau khi ông Nghị được cử vào trông coi khu vườn, ông đã tự ý xây dựng trái phép và đã bị cơ quan chức năng lập biên bản nhiều lần yêu cầu tháo dỡ vậy mà Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệm Sóc Sơn vẫn làm hợp đồng khoán trông coi, quản lý bảo vệ rừng tại lô đất thuộc vườn thực nghiệm. Điều này không đúng với điểm a, khoản 2, mục E tại văn bản hướng dẫn số 294CS/NLN ngày 30/5/1995 của Sở Nông lâm nghiệp Thành phố Hà Nội, quy định về khoán trông rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng: “Đối tượng được nhận khoán bao gồm hộ gia đình, cán bộ công nhân viên Lâm trường và một số cá nhân, tổ chức có khả năng điều kiện và chấp hành các quy định của Lâm trường”.
Rõ ràng ông Nghị là đối tượng đang vi phạm trật tự xây dựng ngay trên chính lô đất của khu vườn và đã bị lập biên bản vi phạm yêu cầu tự tháo dỡ nhưng đến nay vẫn cố tình không thực hiện, vậy mà Công ty vẫn ký hợp đồng với ông Nghị là không đúng với hướng dẫn trên.
Bên cạnh đó, theo văn bản trả lời đơn thư kiến nghị của ông Ngô Vĩnh Dụng và một số cán bộ, giáo viên đã và đang công tác ở trường THPT Đa Phúc do ông Ngô Đại Ngọc – Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký ngày 22/9/2011, đối với việc ký hợp đồng trong coi bảo vệ rừng của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệm Sóc Sơn với ông Lê Thanh Nghị có nhiều mâu thuẫn.
Cụ thể, ngày 01/6/2010, Công ty cung cấp cho thanh tra huyện bản hợp đồng 08/HĐQLBVR gốc. Nhưng trong quá trình làm việc với thanh tra huyện, ông Nghị lại cung cấp cho thanh tra huyện một bản hợp đồng cũng có số hiệu như trên, nhưng nội dung bản hợp đồng lại thể hiện diện tích là 2,71ha chỉ ở lô 19.1 chứ không phải là lô 19.1 và 19.3 như bản hợp đồng Công ty cung cấp. Ngoài ra, trước đây thanh tra huyện cũng được ông Ngô Vĩnh Dụng – Nguyên phó hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc cung cấp cho một bản hợp đồng phô tô cùng số 08/HĐ-QLBVR và cùng ngày 20/6/2009 của Công ty với ông Lê Thanh Nghị. Tuy nhiên diện tích thể hiện trong hợp đồng chỉ có 0,4ha tại khoảnh 21, lô 19.1 chứ không phải là 2,71ha như trên.
Trong quá trình điều tra xác minh, các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn đã yêu cầu ông Nghị cung cấp bản hợp đồng gốc của ông Nghị đã sao gửi thanh tra huyện nhưng ông Nghị không cung cấp được. Như vậy có thể thấy việc ký kết hợp đồng giữa Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệm Sóc Sơn với ông Lê Thanh Nghị là có dấu hiệu vi phạm (cùng một việc nhưng có ba bản hợp đồng với nội dung khác nhau).
Được biết, UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng đã có ý kiến đề nghị Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp huyện Sóc Sơn hủy bỏ hợp đồng số 08/HĐ-QLBVR ngày 20/9/2009 mà Công ty đã ký kết với ông Nghị. Đồng thời cũng có ý kiến đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp (Công ty mẹ) chỉ đạo Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm túc nội dung này.
Đối với ông Nghị có hành vi vi phạm nhưng không tự sửa chữa khắc phục, trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng lại có thái độ không trung thực, UBND huyện cũng đã kiến nghị nhà trường có biện pháp xử lý kỷ luật, đề nghị Sở GD&ĐT; sở Nội vụ thành phố Hà Nội chỉ đạo trường THPT Đa Phúc tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lê Thanh Nghị - Giáo viên nhà trường theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, theo phản ánh của cán bộ, giáo viên, đã gần 1 năm trôi qua, tất cả những sai phạm trên vẫn chưa được giải quyết triệt để và vẫn mặc nhiên tồn tại. Dư luận không khỏi hoài nghi về sức mạnh công lý trong việc xử lý đối với những sai phạm nêu trên?
Sỹ Điền