Từ tháng 7/2017, Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra hành chính Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM về các vấn đề tổ chức, quản lý hành chính; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản và công tác đào tạo.
Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận, chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm xảy ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Sai phạm về tuyển dụng, bổ nhiệm
Về công tác tuyển dụng viên chức, trong 3 năm từ 2015 đến 2017, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã tuyển dụng tổng cộng 75 viên chức, nhưng quy trình tuyển dụng chưa thực hiện đúng quy định theo Thông tư 15 của Bộ Nội vụ.
Cụ thể, các thông báo tuyển dụng không nêu rõ nội dung, hình thức thi/xét tuyển, nội dung thi tuyển thiếu các môn thi kiến thức chung, không xây dựng các đề thi chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp. Kiểm tra một số hồ sơ tuyển dụng cho thấy:
Trường ký hợp đồng làm việc lần đầu với Võ Hoàng Thủy Tiên không đúng quy trình tuyển dụng của trường, xét tuyển đặc cách, ký hợp đồng làm việc với ông Bách và bà Duyên không đúng quy định.
Kiểm tra một số hợp đồng lao động trong tổng số 77 hợp đồng lao động của trường, thì có trường hợp ký hợp đồng lao động 6 tháng và ký liên tiếp hợp đồng với cùng một cán bộ để làm những công việc có tính chất thường xuyên, là không đúng quy định.
Công tác bổ nhiệm cũng có nhiều sai phạm như: Bổ nhiệm Trưởng khoa Cơ khí động lực và Khoa Công nghệ may thời trang khi chưa đạt chuẩn trình độ tiến sĩ (theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Điều lệ trường đại học); 2 trưởng bộ môn Thương mại và bộ môn Kết cấu công trình được bổ nhiệm khi chưa có bằng tiến sĩ.
Sai phạm về tài chính
Về quản lý tài sản, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Tổng diện tích mà trường đang quản lý sử dụng là 218.655m2, trong đó cơ sở 1 ở số 1, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) là 174.274m2 và cơ sở 2 tại số 18A Lê Văn Việt (quận 9) là 44.408m2.
Có 16 hợp đồng hợp tác, cho thuê cơ sở vật chất giữa trường và các đơn vị, cá nhân bên ngoài. Căn cứ ký hợp đồng, thể thức và các khoản quy định trong hợp đồng chưa đảm bảo đúng quy định.
Các hợp đồng được ký từ sau 1/4/2016 chưa thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Đặc biệt, tại cơ sở 2, trong khuôn viên trường có 1 hộ gia đình đang chiếm dụng trái phép khoảng 3.000m2 từ cách đây 30 năm nhưng hiện tại vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Về các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, qua kiểm tra 5 gói thầu của 4 dự án (dự án xây dựng cổng, tường rào đường Lê Văn Việt; dự án cải tạo nâng cấp hội trường; dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và xử lý nước thải; dự án đầu tư xây dựng công trình nhà học và xưởng thực hành khu F1) cho thấy:
Trường không thực hiện thẩm định hồ sơ mời thầu theo quy định; không thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đến tất cả các nhà thầu; không xác định được tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hiệu của vật tư dẫn đến không có cơ sở để giám sát quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu hợp đồng.
Ngoài ra, một số quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trùng số với các văn bản khác. Như Quyết định số 2478/QĐ-ĐHSPKT ngày 23-9-2015 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định rút gọn nhưng qua kiểm tra thì số văn bản này có nội dung liên quan đến vấn đề hướng dẫn tập sự tại trường!
Sai phạm về công tác đào tạo, tuyển sinh
Về công tác đào tạo, từ năm 2015-2017, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với quy định. Đặc biệt, trong 3 năm này, trường liên kết đào tạo với 24 đơn vị nhưng chưa có văn bản cho phép của Bộ.
Trường chưa xây dựng, ban hành quy chế tuyển sinh liên thông, không thành lập Hội đồng đào tạo liên thông và thực hiện việc công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức miễn trừ khi học chương trình này.
Về tuyển sinh, kiểm tra hồ sơ tuyển sinh và đề án được phê duyệt cho thấy trường đã từng xét trúng tuyển đối với thí sinh không đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Về tiếp nhận tài trợ phòng dạy học số, theo đơn phản ánh, Trường Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ (AUS) tài trợ số tiền 280.000USD cho trường để trang bị cho phòng dạy học số.
Tuy nhiên, số tiền trên lại chuyển vào tài khoản của ông Lê Thanh Phúc, Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao, không nhập vào sổ sách tiền tài trợ.
Qua xem xét hồ sơ, Đoàn thanh tra ghi nhận, chương trình HEEAP được khởi động ở Việt Nam từ năm 2010, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh được lựa chọn là một trong các trường triển khai chương trình này. Ngày 12-8-2014, bà Heather Clark đại diện của ASU ký kết với ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường một thỏa thuận.
Theo đó, ASU tài trợ cho trường một phòng dạy học số có tổng trị giá 276.250 USD và đã chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Lê Thanh Phúc. Theo ông Phúc giải trình, ông đã gửi hết số tiền này cho bà Nguyễn Thị Tố Trang, nhân viên của Công ty TNHH kỹ thuật Mê Kông.
Sau đó bà Trang chuyển tiếp toàn bộ số tiền cho ông Nguyễn Xuân Anh Tú, Phó Giám đốc của Công ty Mê Kông để nơi đây cung cấp, lắp đặt trang thiết bị cho Phòng dạy học số. Phòng dạy học đã hoàn thành vào cuối tháng 12/2014 và khai trương vào tháng 3/2015. Các trang thiết bị đã được sử dụng và phát huy kết quả tốt trong công tác đào tạo.
Tuy nhiên, Công ty Mê Kông lại có văn bản gửi Thanh tra Bộ cho rằng nơi đây không có lắp đặt, cung cấp trang thiết bị cho phòng dạy học số của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và không cử ông Anh Tú làm đại diện cho công ty để nhận số tiền hơn 5,8 tỷ đồng (quy đổi từ 276.250 USD mà ASU tài trợ).
Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra hồ sơ quản lý tài sản quản lý tại trường thì không thấy hóa đơn, chứng từ, hợp đồng giao nhận thiết bị của phòng dạy học số.
Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng kiểm điểm trách nhiệm đối với các thiếu sót, sai phạm trong phạm vi thẩm quyền được giao; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Lê Thanh Phúc cùng một số cá nhân khác.