Chuyển từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý
Năm 2017, thanh tra giáo dục đã thực hiện đổi mới hoạt động theo hướng chuyển từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý, chuẩn hóa quy trình thanh tra mang đặc thù của ngành. Việc đổi mới này đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giúp các chủ thể thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào năm học 2016 - 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, giúp thống nhất nhận thức và chỉ đạo công tác này trong toàn ngành.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí công tác thanh tra trong toàn ngành; kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.
Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tăng cường các điều kiện bảo đảm về kinh phí, vật chất, phương tiện cho hoạt động thanh tra; tăng cường phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra và xử lý sau thanh tra.
Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng đã khẳng định sự đúng đắn của việc đổi mới công tác thanh tra, đồng thời mở ra giai đoạn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hiệu quả thanh tra giáo dục.
Trước đây, thanh tra giáo dục làm nhiều việc nhưng chủ yếu là thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên một cách lần lượt, qua đó để xếp loại giáo viên.
Cách làm này có một số tác dụng tốt song không phù hợp Luật Thanh tra; nhiều nơi làm hình thức, có khi tác động ngược đối với sự chủ động, sáng tạo của nhà trường và của nhà giáo. Hoạt động thanh tra cũng chỉ tập trung trong khuôn viên các trường là chính, ít chú ý đến các hoạt động giáo dục diễn ra ngoài nhà trường.
Quản lý giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp, tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục và tính chủ động của giáo viên. Thanh tra giáo dục cần hướng vào việc giúp cơ sở giáo dục và các chủ thể liên quan thực hiện tự chủ đúng quy định của pháp luật. Thanh tra không can thiệp trực tiếp vào hoạt động chuyên môn của nhà trường và giáo viên.
Thực tế vừa qua, Thanh tra Bộ đã tập trung thanh tra một số vấn đề như: điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện tự chủ của nhà trường; liên kết đào tạo; việc dạy thêm, học thêm, thu, chi của cơ sở giáo dục; thanh tra thi, tuyển sinh; thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chính sách đối với nhà giáo...
Qua thanh tra đã giúp các cơ sở giáo dục nhận ra việc làm đúng, việc làm chưa đúng để điều chỉnh theo quy định. Một số thiếu sót, sai phạm đã được xử lý nghiêm. Đồng thời, qua thanh tra cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định.
Từ đó, nền nếp, kỷ cương trong giáo dục từng bước được nâng lên. Cách làm này đang tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra trong điều kiện còn hạn chế về con người cũng như một số nguồn lực khác.
Người mẹ thứ hai |
Hoạt động có trọng tâm, trọng điểm
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong năm vừa qua công tác thanh tra giáo dục khối Sở GD&ĐT đã có những chuyển biến rất tích cực. Các Sở GD&ĐT đã tập trung xây dựng kế hoạch thanh tra theo đúng hướng chỉ đạo. Về số cuộc có thể giảm đi, nhưng hoạt động thanh tra đã có trọng tâm trọng điểm, nhằm vào những vấn đề quản lý tác động đến hệ thống.
Chẳng hạn khi văn bản được ban hành, các cơ sở giáo dục có thể có cách hiểu khác nhau, thông qua hoạt động thanh tra sẽ giúp cơ sở, hướng dẫn các cơ sở hiểu và triển khai thực hiện cho đúng. Hoặc trước những vấn đề dư luận bức xúc, những điểm nóng trong ngành dễ phát sinh tiêu cực như: dạy thêm học thêm, thu nộp đầu năm, văn bằng chứng chỉ, liên kết đào tạo... là những vấn đề cần được ưu tiên tập trung thanh tra.
Bên cạnh đó là hoạt động đặc trưng của thanh tra GD như công tác thanh tra thi cũng đã có nhiều đổi mới trong năm vừa qua. Từ thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và sự vào cuộc của thanh tra Sở, sự tham gia của các trường ĐH.
Đó là sự đổi mới rất rõ nét trong cách tổ chức công tác thanh tra thi nói riêng và thanh tra GD nói chung. Nếu nói về số cuộc thanh tra thì có giảm đi, nhưng tác động xã hội, tác động quản lý lại rõ rệt hơn.
Ông Nguyễn Huy Bằng chia sẻ: Thanh tra Bộ sẽ là lực lượng nòng cốt, bên cạnh việc hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đối với thanh tra Sở, cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, thanh tra trực tiếp một số vấn đề, đồng thời sẽ thanh tra công tác thanh tra của các Sở, để bảo đảm việc tổ chức triển khai được nghiêm túc, hiệu quả và chủ động ở ngay từ các địa phương.
Ngày 18/10/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phê duyệt đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020”. Trong đó đề cập đến việc tăng cường năng lực thanh tra giáo dục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh tra giáo dục, đi đôi với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Tăng cường năng lực thanh tra giáo dục thể hiện cụ thể qua việc tăng cường các yếu tố cơ bản đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra, cơ chế đánh giá hiệu quả thanh tra giáo dục và tương quan với các công cụ quản lý giáo dục khác; tăng cường phân cấp trong hoạt động thanh tra.
Tăng cường năng lực thanh tra giáo dục gắn liền với quá trình đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Hoạt động thanh tra bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và việc chấp hành các văn bản, quy định chỉ đạo của ngành.