Thanh tra là khâu quan trọng của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Chiều 11/8 tại Thanh Hóa, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thi hành luật thanh tra.

Thanh tra là khâu quan trọng của đổi mới giáo dục

Dự hội nghị có ông Nguyễn Minh Mẫn- Quyền Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, ông Tống Duy Hiến - Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường đại học.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện Luật thanh tra của Bộ GD&ĐT trong thời gian từ năm 2011 đến nay, trong đó tập trung thảo luận những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010 và các văn bản liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Xác định công tác thanh tra là khâu quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra gắn với việc đổi mới quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Từ khi Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra đã được tăng cường với nhiều hoạt động như: Xây dựng đề cương giới thiệu Luật thanh tra, hỏi đáp về Luật thanh tra để phổ biến rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị quán triệt Luật Thanh tra, mời lãnh đạo Thanh tra Chính phủ báo cáo cho toàn thể cán bộ công chức cơ quan Bộ. Thường xuyên tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền trên Báo Giáo dục và Thời đại, trên Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT, trên chuyên trang Thanh tra Bộ; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình.

Ông Tống Duy Hiến- Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo tại hội nghị
Ông Tống Duy Hiến- Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo tại hội nghị

Những nội dung mới của Luật thanh tra cũng được đưa vào các tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý, các lớp tập huấn của Bộ. Các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật thanh tra bằng nhiều hình thức phong phú.

Trong các năm học, Bộ GD&ĐT đều ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra và các văn bản chỉ đạo ở nhiều mặt hoạt động cụ thể. Các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đã ban hành nhiều văn bản triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của Bộ về công tác thanh tra.

Theo đó, hoạt động thanh tra giáo dục được định hướng chuyển trọng tâm từ thanh tra chủ yếu về chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý về giáo dục, không thực hiện thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động nhà giáo.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, những vấn đề gây bức xúc trong xã hội như dạy thêm học thêm, thu chi ngoài quy định, sử dụng sổ sách, tuyển sinh đầu cấp, liên kết đào tạo.

Các Sở GD&ĐT tăng cường thanh tra đối với cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp và các chủ thể khác tham gia hoạt động giáo dục trên địa bàn theo phân cấp, các trường đại học mở rộng nội dung thanh tra theo nhiệm vụ quản lý của hiệu trưởng.

Thực hiện Luật Thanh tra 2010, trong những năm qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác để đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của hoạt động thanh tra. Hàng năm, Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch thanh tra trình bộ trưởng xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Thanh tra.

Ông Nguyễn Huy Bằng phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Huy Bằng phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thường xuyên quan tâm chỉ đạo Thanh tra Bộ tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Nội dung thanh tra có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, dễ phát sinh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng để phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, đồng thời kiến nghị khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách pháp luật.

Từ 1/7/2011 đến 30/6/2017, Bộ GD&ĐT đã tiến hành 32 cuộc thanh tra hành chính (26 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 6 cuộc thanh tra đột xuất) và 86 cuộc thanh tra chuyên ngành. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã chủ trì một số cuộc thanh tra liên ngành. Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp, cử công chức tham gia các đoàn liên ngành khi có đề nghị của Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ban, ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận liên qua đến thực tiễn hoạt động thanh tra trong lĩnh vực giáo dục tại các địa phương, đơn vị trên cả nước. Đồng thời đóng góp những ý kiến liên quan đến Luật Thanh tra 2010, sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp của Luật Thanh tra với Hiến pháp và các đạo luật có liên quan.

Hội nghị đã nghe các báo cáo chung, đã nghe những tham luận, thảo luận trực tiếp từ phía các sở GD&ĐT, từ các trường đại học, từ thanh tra các huyện, đặc biệt nghe ý kiến của đồng chí Nguyễn Duy Mẫn - Quyền Cục trưởng Cục 3 Thanh tra Chính phủ, ý kiến phát biểu của đồng chí Phó chánh thanh tra Bộ Y tế. Trong quá trình thảo luận, chủ tọa đã trao đổi một số vấn đề cụ thể.

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: Thông qua hội nghị, các đại biểu có nhiều ý kiến thống nhất với nhau, nhìn nhận được những cái đã làm được, những khó khăn bất cập dưới hai góc độ, một là thực hiện luật thanh tra nói chung, hai là những bất cập của luật thanh tra nói chung.

Và đặc biệt các đại biểu đã trao đổi rất sâu dưới nhiều góc độ xung quanh việc đổi mới giáo dục từ các Sở GD&ĐT, từ các Phòng GD&ĐT, từ các trường, từ các đại học và từ quan hệ với các bộ ngành khác trong thực hiện nghị định 42 về thanh tra giáo dục. Qua đó đã giúp cho Thanh tra Bộ GD&ĐT, giúp cho Bộ GD&ĐT nhìn rõ hơn những vấn đề cần tổng kết để đưa vào báo cáo chung.

“Chất liệu của hội thảo hôm nay sẽ giúp Thanh tra Bộ GD&ĐT hoàn thiện báo cáo tổng kết. Chúng ta sẽ nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm, hiểu biết nhau hơn để phối hợp với nhau tốt hơn. Một số vấn đề cụ thể thì chúng tôi sẽ ghi nhận để giải quyết trong hội nghị triển khai nhiệm vụ thanh tra vào tháng 9 tới tại Thừa Thiên Huế”- Ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Vụ Thi đua khen thưởng, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 14 tập thể 34 các nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thi hành Luật Thanh tra giai đoạn 2011-2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ