Các nhà khảo cổ tìm thấy chất lỏng đựng trong một chiếc bình bằng đồng khi tiến hành khai quật lăng mộ thời Tây Hán (năm 202 trước Công nguyên đến năm 8) ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Họ rót chất lỏng ra cốc thí nghiệm và nhận thấy nó có mùi hương đặc trưng.
"Có 3,5 lít chất lỏng trong suốt màu vàng. Nó tỏa ra mùi giống rượu", Shi Jiazhen, người đứng đầu Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ thành phố Lạc Dương, cho biết. Nhóm nghiên cứu cần phân tích chất lỏng kỹ hơn trong phòng thí nghiệm để xác định thành phần.
Một lượng lớn niêu đất sơn màu và đồ tạo tác bằng đồng cũng được khai quật tại lăng mộ rộng khoảng 210 m2. Hài cốt của người trong mộ vẫn được bảo quản, Shi cho biết. Nhóm chuyên gia sẽ tiến hành nghiên cứu số cổ vật này.
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy rượu gạo với niên đại tương tự trong một số lăng mộ thời Tây Hán. Rượu làm từ gạo hoặc cao lương là thành phần quan trọng trong các nghi lễ hay lễ cúng tế ở Trung Quốc thời xưa. Nó thường được đựng trong bình rượu bằng đồng tinh xảo.
Ngoài bình chứa chất lỏng, nhóm chuyên gia còn tìm thấy một đồ đồng lớn khác tại lăng mộ là chiếc đèn hình ngỗng trời. Đây là cổ vật đầu tiên dạng này được phát hiện ở Lạc Dương, kinh đô của 13 triều đại với lịch sử 3.000 năm.