Các thợ lặn thăm dò đáy sông bùn lầy đã vớt được hàng trăm bức tượng nhỏ, chuông chùa, công cụ, gương, tiền xu và đồ gốm sứ. Họ đã tìm thấy chuôi kiếm bằng vàng và những chiếc nhẫn bằng vàng và ruby, những chiếc bình chạm khắc, bình rượu và sáo có hình con công.
Từ những hiện vật này, các nhà khoa học đã xác định được vị trí của thành phố Srivijaya đã mất, từng là một hải cảng giàu có và hùng mạnh dọc theo tuyến đường thương mại đại dương giữa Đông và Tây. Srivijaya, được cai trị bởi một vị vua, kiểm soát eo biển Malacca trong khoảng từ năm 600 - 1025, khi chiến tranh với triều đại Chola của Ấn Độ phá vỡ quyền lực của thành phố.
Ngày nay, hầu như không còn lại dấu tích nào về những ngày huy hoàng của Srivijaya, trừ những hiện vật lấp lánh mà những người thợ lặn đã kéo được từ dưới sông lên. Không có cuộc khai quật khảo cổ chính thức nào được tiến hành dưới hoặc xung quanh sông; hiện vật được bán cho các nhà sưu tập tư nhân trên thị trường cổ vật toàn cầu.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi các hiện vật tái hiện, giúp vị trí của Srivijaya được xác định, hầu như không có bất kỳ bằng chứng vật chất nào về cuộc sống đời thường ở đó, theo Sean Kingsley, một nhà khảo cổ học biển và là biên tập viên của tạp chí Wreckwatch cho biết.
Nghiên cứu khảo cổ trước đây xung quanh Palembang, Indonesia, thành phố Sumatra gần nơi Srivijaya từng tọa lạc, chỉ cho thấy những gợi ý nhỏ về thành phố cảng giàu có: Những ngôi đền bằng gạch và một vài chữ khắc.
Hầu hết, thông tin về thành phố đến từ những người nước ngoài đã viết về chuyến du lịch của họ đến Srivijaya. Những thương nhân và du khách này đã mô tả một thế giới như sự giao thoa của 2 tác phẩm: “Chúa tể của những chiếc nhẫn” và “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng”.
Kingsley cho biết, Srivijaya có nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương vô cùng phong phú, bao gồm các loài thực vật đáng mơ ước như gỗ đàn hương và long não. Và ngoài ra còn có vàng - những chất lắng đọng tự nhiên bị xói mòn xuống sông Musi.
Làm thế nào một nền văn minh giàu có như vậy có thể biến mất gần như không một dấu vết? Một khả năng có thể xảy ra là Srivijaya được tạo thành phần lớn từ các công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng ngay trên con sông.
Phong cách kiến trúc thế giới trên mặt nước này vẫn còn được nhìn thấy trên một số con sông ở Đông Nam Á ngày nay. Những ngôi nhà được xây dựng trên bè và gắn kết với nhau thành một kiểu thành phố nổi. Kingsley nói rằng, hầu hết các công trình kiến trúc của Srijivaya sẽ mục nát trong vòng vài thế hệ.
Những dấu hiệu cho thấy, sông Musi có thể nắm giữ bí mật của Srivijaya lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2011, khi các công nhân xây dựng bắt đầu nạo vét cát từ Musi cho các dự án xây dựng lớn. Những cổ vật lấp lánh xuất hiện cùng với cát, khiến nhiều công nhân và ngư dân địa phương quyết định trở thành thợ lặn, dùng vòi gắn vào bình khí nén để thở trong khi thăm dò đáy sông bằng que sắt.
Từ năm 2011 - 2015, một số lượng lớn hiện vật có thể có từ thời hoàng kim của Srivijaya đã xuất hiện trên thị trường cổ vật ở Jakarta, theo báo cáo năm 2019 từ Australia. Đây là những khám phá có giá trị nhất trong số những khám phá về sông Musi, theo Miksic đã viết vào năm 2012 - những vật có giá trị thương mại thấp hơn được bán ở địa phương xung quanh Palembang.
Kingsley cho biết có những rào cản lớn đối với việc khai quật sông Musi một cách có hệ thống. “Ngư dân sẽ không ngừng khám phá ra các hiện vật mới. Nhưng trước bối cảnh hiện tại, việc họ báo cáo các phát hiện cho chính quyền sẽ càng khó xảy ra. Vì vậy, việc thực hiện khảo cổ học dưới nước sẽ càng đi vào lòng đất trong khi thị trường chợ đen phát triển mạnh” - Kingsley cho biết.