Nó được đúc bằng vàng, cao và rộng 21cm, khắc nhiều hình vẽ tinh tế. Họ tuyên bố đây là kiệt tác thủ công cổ đại đẹp đẽ, giàu giá trị văn hóa và lịch sử nhất.
Bát cổ 3.200 năm
Teppe Hasanlu là một địa điểm định cư của người Iran cổ xưa từ Thời đại Đồ đồng (3000 -1200 TCN). Nó được quy hoạch trên một gò đất cao giữa vùng đồng bằng Solduz thuộc tỉnh Tây Azerbaijan. Vào khoảng năm 800 TCN, thành cổ này bị cướp bóc và tàn phá. Toàn bộ cư dân bị sát hại và bắt đi, để lại 246 bộ hài cốt trong đống đổ nát.
Năm 1936, Aurel Stein (1862 - 1943) - nhà khảo cổ người Hungary khởi công khai quật Teppe Hasanlu. Sau khi ông qua đời, hoạt động này bị tạm dừng cho đến năm 1956. Vào năm này, Robert H. Dyson (1927 - 2020) - nhà khảo cổ người Mỹ tiếp nối công việc của Stein. Cho đến năm 1974, ông đã chỉ đạo 10 mùa khám phá Teppe Hasanlu.
Năm 1958, nhóm của Dyson đào được một cổ vật vô cùng bất thường. Đó là chiếc bát được đúc bằng vàng tương đối lớn. Nó nằm trong lòng của 1 trong 3 bộ hài cốt ở cạnh nhau, bị đè bẹp dúm dưới đống tàn tích.
Quan sát và đo đạc sơ bộ cho thấy, chiếc bát vàng này là một kiệt tác thủ công vô cùng tinh xảo. Nó cao 21cm, có đường kính miệng 21cm, thành mỏng, bề mặt khắc nhiều hình vẽ sống động. Chúng bao gồm hình công cụ, động vật, nhân thú và con người. Kiểm tra niên đại cho thấy, chiếc bát bằng vàng này được làm từ khoảng 3.200 năm trước. Người ta gọi nó là Bát vàng Hasanlu (The Golden bowl of Hasanlu).
Cuộc chiến diệt tộc
Địa điểm phát hiện Bát vàng Hasanlu là tàn tích đền thờ trong di tích Teppe Hasanlu. Các nhà khảo cổ suy đoán, cổ vật tinh xảo này là bảo vật quý giá nhất của tòa thành. Họ cũng cho rằng, các hình vẽ được khắc trên bề mặt bát miêu tả thế giới thần linh trong tâm thức của người cổ đại sống tại đây. Chiếc bát có khả năng là linh vật được tôn thờ, đặt ở nơi linh thiêng nhất.
Kết quả khai quật Teppe Hasanlu chỉ ra, mặc dù tòa thành này được khởi công từ Thời đại Đồ đồng, nhưng phải đến Thời kỳ Đồ sắt (1200 - 300 TCN) mới hoàn thành. Nhờ sự phát triển của công cụ và kỹ thuật xây dựng, người dân cổ đại ở đây đã hoàn thành một hệ thống công trình kỳ vĩ.
Teppe Hasanlu được chia thành 2 vòng kiến trúc là trong và ngoài. Vòng trong bao gồm các công trình lớn như hội trường, đền thờ... Vòng ngoài là các công trình nhà ở, chuồng trại, kho tích trữ... Nguyên liệu xây dựng chủ yếu là gạch, được đóng bằng bùn và nung qua lửa.
Đường sá thì rải đá. Trong Teppe Hasanlu, các nhà khảo cổ cũng đào được nhiều đồ gốm và các đồ vật bằng kim loại, một số mang xuất xứ từ các khu vực khác. Nó cho thấy, người dân Teppe Hasanlu có giao thương và cuộc sống rất sung túc.
Khoảng năm 800 TCN, Teppe Hasanlu bị đốt trụi. Theo suy đoán của các nhà khảo cổ, tòa thành giàu có này đã thu hút kẻ xâm lăng. Chúng kéo quân đến, cướp bóc và giết người. Trên khắp di tích Teppe Hasanlu, nhóm khai quật đào được tổng cộng 246 bộ hài cốt.
Phần lớn những người này tử vong vì chấn thương nghiêm trọng. Họ bị chém vào đầu, tay, chân, xương sống. Nhóm khai quật cũng đào thấy một số hố chôn tập thể. Hài cốt trong các hố này chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.
“Tôi chắc rằng, đây là một cuộc chiến diệt tộc”, Michael Danti - khảo cổ gia người Mỹ nhận định. Anh suy đoán, quân xâm lược đã tàn sát cả thành Teppe Hasanlu. Chúng bắt giữ những người trẻ khỏe làm tù binh và giết toàn bộ những ai chống đối, già, yếu, quá nhỏ tuổi.
Chưa được xác nhận
Kết quả khai quật Teppe Hasanlu cũng cho thấy, tòa thành này có công trình quân sự và kho vũ khí. Trước khi bị hủy diệt, Teppe Hasanlu chắc chắn có sự chống trả. Giới nghiên cứu Iran tin rằng, các binh sĩ bảo vệ thành Teppe Hasanlu đã chiến đấu hết sức. Vì chênh lệch quân số và thực lực quá lớn, họ mới bị kẻ diệt tộc đánh bại.
Biết không thể thắng, 3 chiến binh cuối cùng của Teppe Hasanlu chạy vào đền thờ, lấy bảo vật của tòa thành là chiếc bát vàng giấu trong người. Trước khi họ kịp chạy ra ngoài, ngôi đền đã sụp đổ, chôn vùi họ cùng với Bát vàng Hasanlu.
Nhiều thế kỷ sau đó, Teppe Hasanlu luôn có người đến sinh sống. Tuy nhiên, họ chỉ sửa các bức tường bị vỡ và cháy không nhiều làm nơi trú. Ngôi đền bị sụp đổ hoàn toàn, chôn vùi chiếc bát vàng và 3 chiến binh Teppe Hasanlu không bị ai đụng chạm.
Sau phát hiện năm 1958, Iran bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến 3 chiến binh này. Họ đã hy sinh cả tính mạng bảo vệ Bát vàng Hasanlu, để lại cho Iran bảo vật giàu giá trị văn hóa và lịch sử nhất.
Có điều, “tôi vô cùng hoài nghi chuyện đấy”, Danti nói. Thứ nhất, cho đến tận bây giờ, giới nghiên cứu và khảo cổ vẫn chưa xác nhận được, người dân thành Teppe Hasanlu là ai. Mặc dù có nhiều bộ hài cốt, Iran chưa kiểm tra ADN và biết họ thuộc bộ tộc nào. Thứ hai, chưa có kết quả giải mã các hình vẽ trên Bát vàng Hasanlu. Chúng ta vẫn chưa biết, chiếc bát này thuộc về nền văn minh nào, biểu thị tín ngưỡng gì, do ai chế tác.
Thứ ba, 3 hài cốt nằm dưới tàn tích đền thờ của thành Teppe Hasanlu cũng có khả năng là quân binh xâm lược. Họ lợi dụng lúc nhốn nháo, lẻn vào đền thờ kiếm chác đồ vật quý và không may bị nhà sập đè chết. Thứ tư, chiếc bát bằng vàng có thể chỉ là vật cá nhân của 1 trong 3 người này. Thứ năm, Iran cũng chưa xác định được, kẻ đã hủy diệt Teppe Hasanlu là ai.
Với một loạt các nghi vấn trên, Danti hy vọng giới nghiên cứu và khảo cổ sẽ lật lại vấn đề Bát vàng Hasanlu. Theo anh, việc cần thiết nhất bây giờ là phân tích ADN của hơn 200 bộ xương. Chúng có thể chỉ ra, gốc gác của người dân trong thành Teppe Hasanlu cũng như kẻ đã xâm lược. Từ đó, chúng ta mới lần được đầu mối của Bát vàng Hasanlu, phác họa lên bức tranh toàn cảnh về Teppe Hasanlu.