Mỹ đã 'đốt' hết 75% tên lửa Patriot

GD&TĐ - Theo tờ Guardian ngày 8 tháng 7, do nhiều nguyên nhân khác nhau kho tên lửa phòng không Patriot của Mỹ hiện chỉ còn khoảng 25%.

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Báo Anh dẫn nguồn từ hệ thống theo dõi đạn dược toàn cầu của Mỹ cho thấy kho dự trữ một số loại đạn quan trọng của Mỹ đã tụt xuống dưới mức tối thiểu trong vài năm qua, kể từ khi chính quyền tiền nhiệm bắt đầu viện trợ quân sự cho Ukraine.

Cụ thể, quân đội Mỹ chỉ còn khoảng 25% lượng đạn tên lửa Patriot mà họ cần để đáp ứng tất cả kế hoạch quân sự của Lầu Năm Góc, sau khi đã sử dụng nhiều quả tại Trung Đông và viện trợ cho Ukraine trong những tháng qua.

Mỹ bắt đầu rà soát kho dự trữ tên lửa Patriot và các loại đạn khác từ khoảng tháng 2.

Tốc độ rà soát được đẩy nhanh sau khi Mỹ triển khai thêm tên lửa đánh chặn tới Trung Đông để hỗ trợ Israel đối phó các cuộc không kích của nhóm vũ trang Houthi.

Việc thiếu hụt đạn dược của Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ Washington không kích loạt cơ sở hạt nhân Iran, khiến Tehran tung đòn trả đũa. Guardian cho biết các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ đã khai hỏa gần 30 quả đạn để đối phó đòn tập kích tên lửa của Iran vào căn cứ Al Udeid ở Qatar.

Thực tế này làm dấy lên lo ngại trong nội bộ Lầu Năm Góc rằng hoạt động tác chiến của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng do thiếu đạn tên lửa phòng không.

Elbridge Colby, quan chức phụ trách mua sắm của Lầu Năm Góc, đã gửi khuyến nghị tới văn phòng của Thứ trưởng Quốc phòng Stephen Feinberg, trong đó liệt kê một số phương án tiết kiệm đạn dược, trong đó có đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.

Sau đó, Thứ trưởng Feinberg ra quyết định tạm dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Quyết định này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth ký duyệt.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bryon McGarry khi được đề nghị bình luận về thông tin của Guardian từ đã chối đề cập đến số lượng vũ khí trong kho dự trữ hay chi tiết về hoạt động tác chiến. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ vẫn được "trang bị đầy đủ, hoàn toàn sẵn sàng đối phó mọi thách thức".

Quyết định tạm dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine dường như không được báo cho Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenksy hồi đầu tháng 7, ông Trump nhấn mạnh ông không chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ đóng băng hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Ông chủ Nhà Trắng còn hứa "ngay lập tức gửi 10 quả tên lửa đánh chặn của Patriot" cho Ukraine và hỗ trợ nước này tìm nguồn viện trợ vũ khí, theo chuyên trang quân sự Axios của Mỹ.

Phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell sau đó cũng đã xác nhận: "Theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ đang gửi thêm các loại vũ khí phòng thủ đến Ukraine nhằm giúp Ukraine có thể tự bảo vệ mình trong lúc chúng tôi nỗ lực đạt được một nền hòa bình lâu dài".

Tuy nhiên, tờ Axios viết rằng ông Trump vẫn do dự về vấn đề chuyển giao quá nhiều tên lửa Patriot và làm cạn kiệt kho vũ khí phòng không của Mỹ. Ông muốn các đồng minh châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cả về tài chính lẫn thiết bị quân sự cho Ukraine.

Cũng theo nguồn tin này, tuần qua Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã chủ động gọi điện cho ông Trump, đề nghị Mỹ nối lại chuyển giao lô tên lửa Patriot đang bị đình chỉ cho Ukraine và đang kẹt lại ở Đức.

Ông Merz còn nói với ông Trump rằng Đức sẵn sàng mua các tổ hợp Patriot từ Mỹ và gửi cho Ukraine. Thay vì chấp thuận đề xuất đó, ông Trump gợi ý Đức bán một trong các tổ hợp Patriot đang trong biên chế nước này cho Ukraine, còn Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh châu Âu tài trợ thương vụ chuyển giao.

Hai bên chưa đạt được thỏa thuận và cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ