Những câu chuyện giáo dục "chạm" trái tim
Nhà báo Nguyễn Văn Duẩn (SN 1991), hiện đang công tác tại Báo Phụ nữ Việt Nam. Tại Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam", Văn Duẩn tham dự bài "Xây dựng Luật Nhà giáo: Cần một khung pháp lý chuyên biệt cho nhà giáo".
Tác phẩm có cái nhìn khách quan, lan toả những góc nhìn tích cực; tham góp ý kiến hay đứng trên quyền lợi chính đáng, thực tế của đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh đó, bài báo truyền tải nhiều thông tin giá trị, ý nghĩa của dự thảo Luật Nhà giáo đến với bạn đọc trên mọi miền tổ quốc.
Nhà báo Văn Duẩn chia sẻ, bản thân anh vốn không phải là một phóng viên chuyên sâu theo dõi mảng Giáo dục mà thường viết nhiều về những vấn đề dân sinh. Nhưng trong nhiều chuyến công tác tại các tỉnh, thành, anh có dịp được tiếp xúc nhiều với những người hiện đang công tác trong ngành Giáo dục.
Trong đó, có câu chuyện về tấm gương thầy cô đã vượt khó vươn lên bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Sự tận tâm từ đáy lòng người thầy vì học trò, vì sự nghiệp trồng người cao cả mang đến cho anh nhiều tâm tư, xúc động.
"Trong những lần gặp gỡ ấy, tôi thấy nhiều thầy cô buồn mỗi khi được hỏi đến chế độ đãi ngộ. Bản thân tôi cũng có nhiều bạn bè hiện đang công tác trong ngành Giáo dục. Có người ngoài thời gian lên lớp phải làm thêm nghề phụ để có thêm thu nhập, cuộc sống bấp bênh", anh Duẩn trải lòng.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến ngành Giáo dục, coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song, trên thực tế, chính sách giáo dục còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà giáo. Đặc biệt là cơ chế, chính sách đãi ngộ với giáo viên.
Hiện nay, người giáo viên đang có một mức thu nhập thấp nhất trong số những người làm công ăn lương và vì thế không thể khiến họ tận tâm, tận lực dốc hết khả năng của mình cho sự nghiệp giáo dục. Hơn thế, điều này sẽ không thể thu hút được nhân tài cho ngành Giáo dục.
Vì thế, việc xây dựng một luật riêng dành cho đội ngũ nhà giáo là điều rất cần thiết. Trong Dự thảo Luật Nhà giáo trình Chính phủ, chính sách về tiền lương, đãi ngộ đối với giáo viên là 1 trong số những chính sách cơ bản được đề cập. Thực tế, việc luật hóa chủ trương lương giáo viên cao nhất là mong mỏi của rất nhiều thầy cô. Và điều này theo tôi cũng hoàn toàn phù hợp với vai trò của các thầy cô.
"Bên cạnh nội dung lương, chế độ đãi ngộ, đề xuất quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo cũng như đề xuất trao quyền quản lý nhà giáo về cho ngành Giáo dục cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đây cũng chính là 3 vấn đề tôi lựa chọn để triển khai", nhà báo Văn Duẩn chia sẻ.
"Sân chơi" ý nghĩa
Chia sẻ về Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, anh Duẩn cho rằng, đây là một “sân chơi” ý nghĩa, giải thưởng báo chí uy tín đối với những người làm báo. Mỗi một tác phẩm tham dự giải sẽ như một tấm gương phản chiếu, giúp xã hội nhìn nhận và đánh giá khách quan về những đóng góp của ngành Giáo dục, giúp xã hội hiểu đúng, đầy đủ về giáo dục. Thông qua đó là sự chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với thầy, cô giáo trên cả nước nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung.
Không chỉ tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ các đồng nghiệp ở mọi miền Tổ quốc, Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" còn giúp những người làm báo xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nền Giáo dục, thông qua các tác phẩm báo chí.
"Bản thân tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức một “sân chơi” ý nghĩa cho những người làm báo trong cả nước. Tôi chúc Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" càng ngày càng thu hút được sự quan tâm của công chúng; có thật nhiều tác phẩm chất lượng tham dự", nhà báo Văn Duẩn cho biết.