Tri ân thầy cô giáo
Tác phẩm “Ơn thầy cô” thuộc loại hình phát thanh của nhóm tác giả Vũ Thị Dung, Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh. Đây là năm thứ 2 nhóm tác giả tham dự giải.
Nói về tác phẩm “Ơn thầy cô”, nhà báo Vũ Thị Dung chia sẻ: “Ngày 20/11 hằng năm là ngày để toàn xã hội tôn vinh, tri ân và dành những tình cảm tốt đẹp nhất thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo, những người đưa đò thầm lặng của biết bao thế hệ học trò. Chính vì vậy, chúng tôi đã chọn đề tài Ơn thầy cô như một lời nhắc nhở và truyền tải thông điệp về lòng kính trọng, sự biết ơn với những công lao to lớn mà thầy cô đã dành cho các thế hệ học trò”.
Nhà báo Vũ Thị Dung cho biết, khi đã lựa chọn được đề tài rồi thì nhóm bàn về cách thể hiện để làm sao thính giả nghe chương trình có thể cảm nhận rõ nét không chỉ là những cống hiến, sự hi sinh, vất vả của các thầy cô giáo, của nghề dạy học mà còn cảm nhận được sự tận tâm, tận tụy, tận hiến với nghề.
Nhóm tác giả đã lựa chọn một số thầy cô giáo đang dạy học ở các điểm trường vùng cao, hải đảo, nơi mà rất nhiều người chưa có điều kiện đến hoặc chưa được biết để họ có thể hình dung và hiểu hơn về hành trình dạy học, gieo tạo con chữ những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng các thầy cô luôn vượt lên tất cả để ươm lên những mầm xanh tương lai tươi sáng.
“Quảng Ninh có rất nhiều tấm gương các thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người được ngành Giáo dục ghi nhận, được phụ huynh học sinh kính trọng và học trò yêu quý nên chúng tôi không khó để lựa chọn đưa vào trong tác phẩm của mình. Khi thực hiện các phóng sự hay các kết nối phỏng vấn thì luôn nhận được sự ủng hộ của nhà trường và các thầy cô”, nhà báo Vũ Thị Dung vui vẻ nói.
Theo nhà báo Vũ Thị Dung, quá trình tác nghiệp cũng gặp một số khó khăn nhất định, địa hình ở một số lớp học đưa vào phóng sự đường sá đi lại rất khó khăn như: Thôn Ngàn Vàng Giữa, xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu); trường liên cấp đảo Trần (huyện Cô Tô). Thu, phỏng vấn học sinh hay các học viên của lớp xóa mù chữ cũng rất khó vì họ xấu hổ, ngại tiếp xúc với người lạ.
Nghề cao quý
Nhà báo Vũ Thị Dung nói, qua tác phẩm “Ơn thầy cô” nhằm truyền tải thông điệp dạy học là một nghề cao quý, thiêng liêng bởi nó mang sứ mệnh “trồng người”. Thầy cô giáo không chỉ là những người truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng, động lực cho học sinh.
Các thầy cô không ngừng nỗ lực để mang tri thức và kỹ năng truyền đạt lại cho học trò của mình để làm hành trang cho các em vững bước trên con đường thực hiện ước mơ.
Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, tinh thần sáng tạo trong chuyên môn, thời gian qua rất nhiều thầy cô đã cống hiến sức lực, trí tuệ để ngành Giáo dục cả nước nói chung và ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh nói riêng ngày càng phát triển vượt bậc, tạo nên những chủ nhân tương lai cho đất nước.
Do vậy, mỗi người chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn của các thầy cô giáo, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.
“Khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi nhận thấy rằng dạy học chưa bao giờ là dễ dàng. Dạy học ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thì lại càng khó khăn gấp bội. Mỗi điểm trường chúng tôi đến, mỗi thầy cô giáo chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện đều để lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc, khâm phục, kính trọng và yêu thương. Trong chương trình, chúng tôi chưa thể nói hết những hi sinh, sự tận tâm, trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp trồng người của các thầy cô giáo. Nhưng hi vọng, qua chương trình, thính giả sẽ hiểu hơn về công việc của các thầy cô giáo, tầm quan trọng của giáo dục đối với đời sống xã hội”, nữ nhà báo chia sẻ.
Theo chị, năm thứ 2 nhóm gửi tác phẩm dự thi Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam như một món quà tinh thần gửi tặng cho các thầy cô giáo, những người vẫn đang ngày đêm miệt mài với bảng đen phấn trắng để gieo tạo con chữ, ươm mầm tương lai.