Phát động cuộc thi khởi nghiệp có giải thưởng lên tới 1 triệu đô la Singapore

GD&TĐ - Ngày 11/9, Viện Đổi mới sáng tạo - Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp cùng Viện Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp - Đại học Quản lý Singapore (SMU) đồng tổ chức buổi Hội thảo thông tin về cuộc thi “Lee Kuan Yew Global Business Plan” (LKYGBPC) năm 2019 với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh, sôi động và phát triển bền vững”.

Viện Đổi mới sáng tạo - Đại học Kinh tế TP.HCM là nơi có rất nhiều sân chơi khởi nghiệp cho sinh viên.
Viện Đổi mới sáng tạo - Đại học Kinh tế TP.HCM là nơi có rất nhiều sân chơi khởi nghiệp cho sinh viên.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa UEH và SMU trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đây cũng là một trong những hoạt động mà UEH mong đợi sẽ lan tỏa tinh thần, khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên không chỉ thuộc khối ngành kinh tế mà còn mở rộng trong thế hệ trẻ, thanh niên của TP.HCM.

“Smart City” - Thành phố thông minh hay Đô thị thông minh - thời gian gần đây đã trở thành cụm từ phổ biến được nhắc đến như một động lực cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới vươn tới, đặc biệt là những đất nước đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về công nghệ và khởi nghiệp như Việt Nam.

Lee Kuan Yew Global Business Plan là cuộc thi Lập kế hoạch kinh doanh toàn cầu mang tên Lý Quang Diệu, do Viện Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (IIE) thuộc trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) tổ chức 2 năm một lần.

Cuộc thi là sân chơi độc đáo, hấp dẫn dành cho thế hệ sinh viên trẻ các trường đại học và những doanh nhân, nhà đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Nối tiếp 9 mùa giải thành công, Lee Kuan Yew Global Business Plan lần thứ 10 kéo dài từ tháng 7/2019 đến tháng 3/2020 với giải thưởng lên đến 1.000.000 đô la Singapore.

Cuộc thi mang tới cơ hội cho các đội thi tài năng trình bày ý tưởng kinh doanh giải quyết những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: Sức khỏe cộng đồng, Sự an toàn và Phúc lợi xã hội; Cơ sở hạ tầng và Công nghiệp; Không khí, Nước, Thực phẩm và Chất thải; Năng lượng và Điện lưới; Xây dựng môi trường và Địa ốc; Vận chuyển và Di động; Chính phủ công nghệ và Giải pháp dân sự; An ninh mạng....

Các công nghệ được áp dụng để hỗ trợ việc nghiên cứu các giải pháp cho các lĩnh vực trên gồm Blockchain, Thực tế ảo và tăng cường, Phân tích dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), 5G, Robot và hơn thế nữa.

Cuộc thi chia thành hai nhóm: nhóm 1 gồm các mô hình đổi mới sáng tạo và công nghệ, khả năng mở rộng quy mô, có thể xuất phát từ nghiên cứu của trường đại học với cơ hội thương mại hóa đã hoặc chưa được kiểm định.

Các dự án tham gia có thể ở giai đoạn từ ý tưởng đến đã có sản phẩm khả dụng ban đầu.

Nhóm 2 gồm các dự án khởi nghiệp có tiềm năng mở rộng quy mô, đã đưa sản phẩm ra thị trường và tìm kiếm khách hàng hoặc mở rộng phân khúc thị trường.

Hạn chót nộp ý tưởng ngày 17/11/2019. Hai đại diện từ các đội trong top 50 sẽ được tài trợ toàn phần chuyến đi đến Singapore trong tuần cuối cùng cuộc thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.