Pháp sẽ triển khai khoảng 3.000 quân dự bị, tập huấn cho lãnh đạo trường học và tăng số cuộc diễn tập chống khủng bố tại các trường học…
Tăng cường an ninh
Chính phủ Pháp đã tăng cường an ninh trên cả nước sau loạt vụ tấn công khủng bố do các phần tử Hồi giáo thực hiện hồi tháng 1/2015 – làm dấy lên mối lo ngại trường học trở thành mục tiêu tấn công. Khoảng 12 triệu học sinh sẽ tựu trường trên toàn nước Pháp từ 1/9. “Mối đe dọa thực sự rất cao” – Bộ trưởng Giáo dục Najat Vallaud – Belkacem, nhấn mạnh trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng An ninh Bernard Cazeneuve - “Đây không phải là chuyện hoang tưởng”.
Cả 2 bộ trưởng cũng cho biết các biện pháp an ninh cao nhất đã được thực hiện kể từ sau vụ tấn công 13/11/2015 tại Paris như diễn tập chống khủng bố được tăng từ 2 lên 3 lần trong năm học này. Các cuộc diễn tập này nhằm tăng khả năng chủ động của trường học trước tình huống bất ngờ.
Khoảng 500 lãnh đạo trường được tập huấn mỗi năm tại trung tâm huấn luyện phòng vệ quốc gia các kĩ năng như xử lí trong tình huống khủng hoảng và cách thức liên lạc với cơ quan an ninh. Trong khi khoảng 1,2 triệu học sinh năm thứ tư trường THCS – tức trẻ ở độ tuổi 14 – bắt đầu được dạy cách tồn vong khi xảy ra tấn công khủng bố tại trường.
Lực lượng an ninh sẽ tập trung bảo vệ an ninh xung quanh trường và 3.000 quân dự bị sẽ được triển khai kết hợp với các lực lượng khác bao gồm cảnh sát. “Trong suốt cả năm học, giám sát quanh trường học được đặc biệt chú trọng. Hoạt động tuần tra sẽ được tiến hành liên tục quanh trường phổ thông, đại học” – bà Cazeneuve cho biết.
Một hệ thống cảnh báo tin nhắn thông báo tới học sinh sẽ kích hoạt khi có khủng bố, cùng với chuông báo riêng khác với chuông báo cháy.
Hiệu trưởng cũng được yêu cầu tổ chức họp với phụ huynh để giải thích về những biện pháp an ninh mới.
Sợ hãi thường trực
Sau loạt vụ đánh bom và xả súng hồi tháng 11/2015 tại Paris, người dân Paris đã quen với hình ảnh binh sĩ lăm lăm súng trường tuần tra bên ngoài trường học, trên các đại lộ và ga tàu điện, nhưng họ vẫn cảm thấy sợ hãi thường trực. Chỉ cần một chiếc xe tay ga bất ngờ rú ga, mọi người đều giật thót mình. Suy nghĩ đầu tiên chạy qua đầu họ là “tấn công khủng bố”.
Franck, 45 tuổi, làm nghề thợ mộc, cho biết: “Chúng tôi không xem truyền hình nhiều nhưng chúng tôi thường nghe radio cả ngày. Nay tôi phải tắt đài đi. Nó không tốt cho trẻ em, thậm chí với cả chúng tôi, khi nghe tin tức bạo lực và hậu quả kinh khủng. Với người lớn, chúng ta có thể điều chỉnh tâm lí bình tĩnh với những nguy cơ khủng bố nhưng với trẻ em thì đó là một nỗi sợ hãi mơ hồ tăng lên từng ngày”.
Jordan Nadler, 28 tuổi, đến từ New York, đang theo học báo chí tại Đại học Mỹ ở Paris, kể về nỗi sợ hãi âm ỉ trong giới trẻ: “Sau loạt vụ tấn công tháng 11 năm ngoái, tôi đang ngồi trong quán cà phê Starbucks với vài người bạn thì một đứa trẻ làm rơi chén xuống sàn – tiếng chén rơi khiến chúng tôi nhảy vọt ra khỏi ghế”.
Có lẽ rất lâu nữa người dân sống tại Pháp mới có lại cảm giác an toàn thường trực trong tâm trí.