Điều luật này sẽ có hiệu lực vào năm 2020, là một phần của kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Energy Transition for Green Growth", nhằm mục tiêu để Pháp đóng góp tích cực hơn trong việc xử lý với vấn đề thay đổi khí hậu, môi trường.
Theo báo Anh Independent, mặc dù một số tổ chức sinh thái học ủng hộ lệnh cấm này, nhưng có một số tổ chức lại cho rằng điều luật đó vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu về tự do hàng hóa.
Pack2Go Europe, một tổ chức có trụ sở ở thủ đô Brussels (Bỉ), đại diện cho các nhà sản xuất đóng gói châu Âu, nói rằng họ sẽ đấu tranh chống lại luật mới này của Pháp và hy vọng điều luật này sẽ không lan rộng đến các quốc gia khác của châu lục.
"Chúng tôi yêu cầu Uỷ ban châu Âu phải lên tiếng và có những hành động pháp lý phản đối việc Pháp vi phạm luật chung của châu Âu", tổng thư ký Eamonn Bates của Pack2go Europe nói. "Nếu EU không làm, chúng tôi sẽ làm".
Ông Bates tini rằng không có bằng chứng nào nói các chất liệu có nguồn gốc sinh học có lợi hơn cho môi trường và lệnh cấm có thể khiến tình hình tồi tệ hơn, vì mọi người có thể hiểu nhầm về sự phân hủy của các chất liệu.
"Lệnh cấm sẽ khiến người tiêu dùng hiểu rằng họ vẫn có thể vứt bỏ các loại bao bì, cốc đĩa "có nguồn gốc sinh học" sau khi sử dụng, bởi vì nó dễ dàng phân hủy trong tự nhiên. Điều đó thật vô lý. Nó có thể khiến tình hình tồi tệ hơn", ông nói.