Pháo sáng, biết rồi nói mãi!

GD&TĐ - Bất chấp những cảnh báo và an ninh được thắt chặt, pháo sáng tiếp tục cháy trên sân cỏ V-League. Hành vi quá khích này không chỉ khiến các câu lạc bộ bị phạt mà còn mang lại những hệ lụy khôn lường khác.

Các cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng đỏ một vùng khán đài, trận giao hữu Hải Phòng – Hà Nội FC.
Các cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng đỏ một vùng khán đài, trận giao hữu Hải Phòng – Hà Nội FC.

Pháo sáng nguy hiểm thế nào?

Tối 23/7, vượt qua vòng kiểm soát an ninh, các cổ động viên Hải Phòng vẫn mang được pháo sáng vào và đốt đỏ sân Vinh. Việc kiểm soát khán giả vào sân đã được tiến hành khá nghiêm ngặt nhưng theo ông Nguyễn Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thể thao Sông Lam Nghệ An, không rõ khán giả Hải Phòng mang pháo sáng vào sân bằng cách nào!?

“Chúng tôi không muốn làm phức tạp vấn đề mà chọn cách giải quyết hài hòa. Không tạo áp lực cho cổ động viên đội khách” – ông Nghĩa cho biết thêm. Người tham gia đốt pháo đã được thả ra ngay tại chỗ và vẫn tiếp tục xem đến hết trận. Sau trận, các khán giả Hải Phòng đã rời khỏi sân một cách êm đẹp và ban tổ chức trận đấu sẽ phải rút kinh nghiệm về toàn bộ sự việc.

Đến ngày 25/7, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã chính thức đưa ra phán quyết sự cố sân Vinh. Theo đó, cả câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng đều bị phạt tiền theo quy định. Ban tổ chức sân Vinh bị phạt 15 triệu đồng vì để cổ động viên đốt pháo sáng. Trong khi đó, câu lạc bộ Hải Phòng bị phạt 15 triệu đồng vì có cổ động viên vi phạm. Mức phạt này được áp dụng theo điểm A Khoản 1, Khoản 3 điều 67 Quy định kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đây là mức phạt nhẹ nhất với cả hai đội vì sự cố trên sân Vinh không quá nghiêm trọng.

Trước sự cố sân Vinh, các cổ động viên Hải Phòng đã thi nhau đốt pháo sáng mù mịt bên ngoài sân vận động Hàng Đẫy chiều 10/7.

Lường trước tình huống có thể xảy ra, ban tổ chức trận đấu của câu lạc bộ Hà Nội đã lên phương án an ninh rất chặt chẽ. Cổ động viên vào sân phải qua kiểm soát kỹ lưỡng, lực lượng an ninh cũng được tăng cường. Nhờ sự chủ động và kinh nghiệm đối phó với các cổ động viên quá khích của ban tổ chức sân, trận đấu giữa câu lạc bộ Hà Nội và Hải Phòng diễn ra an toàn, không xảy ra sự cố nào đáng tiếc.

Tuy nhiên trước trận, cổ động viên Hải Phòng đã diễu hành qua nhiều tuyến phố Hà Nội. Một số vi phạm luật giao thông, rải tiền âm phủ đầy đường. Gần giờ diễn ra trận đấu, cổ động viên Hải Phòng đua nhau đốt pháo sáng bên ngoài sân Hàng Đẫy, khu vực đường Nguyễn Thái Học và phố Hàng Cháo. Khói pháo mờ mịt cộng với việc tụ tập đông người đã gây ách tắc giao thông cục bộ. Các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy cũng phải làm việc rất vất vả để dập lửa.

Cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng bên ngoài sân Hàng Đẫy trước trận Hà Nội - Hải Phòng tại vòng 6 V-League 2022.

Cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng bên ngoài sân Hàng Đẫy trước trận Hà Nội - Hải Phòng tại vòng 6 V-League 2022.

Theo chuyên gia phân tích, pháo sáng chứa hóa chất độc gây hại cho hệ hô hấp khi hít, bỏng, nhiễm độc, để lại di chứng lâu dài cho nạn nhân. Thành phần hóa học của pháo sáng gồm 3 hợp phần là chất oxy hóa mạnh (kali nitrat, kali clorat, kali peclorat...), chất cháy (bột than mịn, lưu huỳnh, parafin nhựa đường...) và chất tạo màu. Ngoài ra còn có phụ gia như canxi carbonat, vaselin, bột shellac màu.

Nhiệt độ của pháo sáng từ 1.200 đến 3.000 độ C, dễ gây cháy và bắt cháy, khối lượng tập trung từ 50 gam là có thể gây nổ. Tại Việt Nam, loại pháo sáng được các cổ động viên sử dụng thường là pháo sáng chuẩn, nhiệt độ cao nhất đạt khoảng 1.600 độ C, có thể cháy kéo dài trong 60 giây. Bởi vậy, khi đốt pháo sáng ở đám đông, người ở gần dễ gặp các tổn thương nặng ở mặt, mắt, ngực, tay, cổ...

Loại pháo này có thể làm cháy quần áo chỉ trong chớp mắt và gây bỏng cho con người. Vết bỏng nặng rất dễ bị nhiễm độc (do pháo sáng có chứa lưu huỳnh) và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương... Ngoài vấn đề ảnh hưởng sức khỏe, đốt pháo sáng gây nhiều hệ lụy như cháy nổ, hỏa hoạn thậm chí tử vong cho chính người đốt pháo cũng như những người xung quanh.

Pháo sáng đốt tại sân vận động không dễ dập tắt vì nó được thiết kế kích ứng với nước. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của đội cứu hỏa, pháo rất khó để dập tắt, nguy cơ bị bỏng rất cao. Ngay cả khi đã ngừng cháy, pháo vẫn quá nóng để chúng ta có thể chạm vào. Ngoài ra, ghế nhựa trên khán đài cũng có nguy cơ bắt cháy khi dính pháo sáng và phát sinh các chất độc hại như carbon monoxide, sunfurơ, bụi thủy ngân, các chất oxy hóa mạnh và bụi kim loại. Mật độ khói làm giảm 20 - 50% tầm nhìn.

Bóng đá Việt Nam đã từng có nhiều giai đoạn mất mát rất nhiều khi các cổ động viên cố tình đốt pháo sáng trong các trận đấu của đội tuyển quốc gia trên sân nhà, sân khách.

Tháng 11/2017, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã bị phạt 15.000 USD vì cổ động viên Việt Nam đốt 2 quả pháo sáng trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019 diễn ra ở Campuchia. Hay ở ASIAD 2018, một nhóm cổ động viên đã đốt pháo sáng trong trận Olympic Hàn Quốc gặp Olympic Việt Nam. Sau đó, Liên đoàn Bóng đá châu Á quyết định xử phạt Liên đoàn Bóng đá Việt Nam 12.500 USD và đưa ra cảnh báo, nếu cổ động Việt Nam tiếp tục đốt pháo sáng trong các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn.

Hình ảnh cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Vinh vòng 9 V-League 2022.

Hình ảnh cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Vinh vòng 9 V-League 2022.

Vì sao lờn thuốc?

Phần lớn các vụ đốt pháo sáng trên sân vận động xảy ra là do một số cổ động viên Hải Phòng thực hiện. Trong lịch sử giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đội bóng Hải Phòng cũng không biết bao nhiêu lần phải nhận án phạt từ nặng đến rất nặng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam như: Phạt tiền, phải thi đấu trên sân không có khán giả, cổ động viên Hải Phòng không được đến sân khách cổ vũ... vì hành vi đốt pháo sáng có hệ thống của một bộ phận cổ động viên quá khích, coi thường pháp luật, sự an toàn của bản thân cũng như cộng đồng.

Như vậy, có thể thấy vấn nạn cổ động viên đốt pháo sáng trên khán đài, ném xuống sân, bên ngoài sân, trên đường di chuyển đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm, trải dài từ sân Hàng Đẫy, Lạch Tray, Thiên Trường, Thanh Hoá, Vinh cho đến Thống Nhất (TPHCM), Gò Đậu (Bình Dương)... Vấn đề đặt ra phải chăng án phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến ý thức của một bộ phận cổ động viên quá khích không thể thay đổi?

Theo điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, pháo sáng không được phép sử dụng vì tính chất khó dập tắt, gây bỏng cấp độ 4. Theo Khoản 2 điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, cổ động viên sử dụng pháo sáng đốt hay bắn trên sân khi xem bóng đá sẽ bị xử phạt hành chính từ một đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, việc cổ động viên đốt pháo sáng trên khán đài làm náo loạn trận đấu và khiến người khác bị thương có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều đó cho thấy, các ban tổ chức sân, bao gồm cả lực lượng công an với nhiệm vụ hàng đầu bảo đảm an ninh, an toàn trận đấu có đủ chế tài xử lý các vi phạm. Nhưng các ban tổ chức sân với các câu lạc bộ ở vai trò “nạn nhân” vẫn phải căng mình chịu án phạt từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, điều tiếng ảnh hưởng đến thương hiệu đội bóng. Từ đó, đặt ra câu hỏi tại sao các ban tổ chức sân không đưa hành vi đốt pháo sáng của những cổ động viên quá khích thành án điểm. Xử thật nghiêm vài vụ chắc chắn các cổ động viên manh động sẽ không dám vi phạm.

Sự “thụ động” của ban tổ chức sân phần nào hiểu được bởi quyền quyết định cao nhất thuộc về câu lạc bộ. Ban tổ chức sân với lực lượng như chuyên môn, an ninh hay y tế vẫn chỉ là bộ phận “giúp việc” cho câu lạc bộ, chứ không phải là tổ chức độc lập về tài chính hay có tư cách pháp nhân. Vậy nên, việc xử lý hành vi đốt pháo sáng trên sân như như thế nào phụ thuộc vào quan điểm của chủ tịch các đội bóng. Và các ông chủ còn có nhiều quan hệ, ràng buộc khác. Đôi khi họ không muốn làm mích lòng nhau!

Vào tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ giải giao hữu tại Hải Phòng, trận đấu giữa đội chủ nhà và Hà Nội (hòa 2 - 2), pháo sáng được đốt ở khu vực khán đài B sân Lạch Tray trước khi bóng lăn. Đến khi Hải Phòng rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2, rồi gỡ hòa 2 - 2 thì cả một biển pháo sáng được đốt trên sân. Khói bụi mù mịt, cầu thủ không nhìn thấy bóng khiến tổ trọng tài phải cho dừng trận đấu. Điều đáng nói, ông Văn Trần Hoàn, Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng còn vừa cười vừa rút điện thoại ra quay cảnh pháo sáng đốt tràn ngập trên sân, như thể hành vi đốt pháo sáng như là một phần của giải đấu.

Quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có mặt trên sân “tím mặt” và khó xử. Dù sao đây chỉ là giải giao hữu và dường như, họ cũng không muốn đụng chạm đến bóng đá đất Cảng, với ông chủ tịch cá tính, từng nổi tiếng với danh xưng Hoàn “pháo”. Tuy nhiên, ông Hoàn đang nắm giữ cương vị Chủ tịch đội bóng Hải Phòng, và hành động của ông chẳng khác nào cổ suý cho vấn nạn đốt pháo sáng của các cổ động viên đất Cảng và tiếp tục “gieo mầm” hy vọng cho những kẻ quá khích.

V-League 2022 trở lại, pháo sáng chưa cháy tại Lạch Tray song bóng đá Hải Phòng đã chịu tiếng xấu khác về cổ động viên. Sau trận Hải Phòng - Bình Định, một người áo đỏ được xác định là cổ động viên có tiếng của Hải Phòng xuống sân, tiến về khu vực tổ trọng tài trước khán đài A. Anh này tỏ ra bức xúc, sau đó bất ngờ có hành động cực kỳ xấu xí “phun mưa” vào mặt trọng tài Hoàng Ngọc Hà. Hành vi rất phản cảm này diễn ra ngay trước mặt của Chủ tịch câu lạc bộ Hải Phòng Văn Trần Hoàn và các Giám sát trận đấu.

Sau đó, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vào cuộc, đánh giá vụ việc trên nhiều góc cạnh và thống nhất đưa ra những án phạt nặng kịch khung với Hải Phòng, ban tổ chức sân Lạch Tray và cả cổ động viên đội bóng đất Cảng. Theo đó, đội Hải Phòng bị phạt 70 triệu đồng, bên cạnh đó sân Lạch Tray phải thi đấu không khán giả trong trận đấu trên sân nhà tiếp theo. Với cổ động viên được xác định là ông Trần Tiến Dũng, với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự trọng tài Hoàng Ngọc Hà, bị cấm đến các sân vận động tại tất cả các giải đấu do Liên đoàn Bóng đá Viêt Nam tổ chức trong 3 năm.

Có thể thấy để giải quyết triệt để vấn nạn pháo sáng và các hành vi phản cảm khác trên sân, cần sự vào cuộc nghiêm túc từ chính ban tổ chức sân, người đứng đầu các câu lạc bộ. Còn không, pháo sáng vẫn cứ cháy và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chỉ biết “mải mê” ban hành án phạt như cách họ đã làm hàng chục năm nay.

Năm 2019, một số cổ động viên Nam Định đã đốt và ném quả pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A sân Hàng Đẫy trong một trận đấu tại V-League khiến một nữ cổ động viên bị bỏng nặng phải vào viện cấp cứu. Sau sự việc, Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Vũ Trung Trực 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Hai bị cáo Trần Đắc Chương và Trần Văn Sùng bị phạt lần lượt 8 tháng và 6 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.