Hà Nội và chuyện ứng xử với pháo sáng tại Hàng Đẫy

Hà Nội và chuyện ứng xử với pháo sáng tại Hàng Đẫy

Bất lực trước pháo sáng? 

Trước khi trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng diễn ra, ban tổ chức sân Hàng Đẫy đã phát loa thông báo về sự cố pháo sáng ở mùa giải năm ngoái: 1 cổ động viên nữ bị thương nặng, thủ phạm đã phải đi tù, người nhận mức án cao nhất là 4 năm tù. 

Một cái giá phải trả quá đắt cho hành vi quá khích, nhân danh tình yêu bóng đá để gây hại cho cộng đồng. Thông tin được phát đi phát lại nhiều lần, kể cả trong giờ nghỉ giữa trận đấu. 

Thế nhưng, trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng, 7 quả pháo sáng vẫn lần lượt xuất hiện trên khán đài và bị ném xuống sân, sau khi đám đông đốt rất nhiều trên đường đến sân. Những cổ động viên quá khích của Hải Phòng bỏ ngoài tai tất cả những thông điệp, cảnh báo về sự văn minh, ý thức ban tổ chức truyền đi. 

Điều đáng nói, những quả pháo sáng ấy bằng cách nào đó đã lọt qua những cổng từ, hàng rào an ninh, camera giám sát để toả sáng tại Hàng Đẫy? Tất cả đều bất lực khi cổ động viên cố tình phá?

Đây là trận đấu mà Ban tổ chức sân đã chuẩn bị khi bố trí lực lượng an ninh lên đến 500 người cùng hệ thống máy móc hỗ trợ, với 2-3 tầng kiểm tra. Thế nhưng, đã bất lực trong việc ngăn chặn triệt để pháo sáng

Trước trận đấu này, một thành viên trong ban tổ chức đã chia sẻ, câu lạc bộ Hà Nội cố gắng làm tốt nhất những gì có thể để ngăn chặn, hạn chế cổ động viên mang pháo sáng vào sân. Thực tế, ngăn chặn tuyệt đối là điều rất khó. 

Bởi lẽ, sân Hàng Đẫy nằm trong phố, có khu dân cư bao quanh nên pháo sáng có thể được tuồn vào sân theo nhiều hình thức. Vấn đề ở đây vẫn là ý thức của các cổ động viên, một khi họ đã cố tình thì có rất nhiều cách.  

Đừng để “ngọn lửa” hiềm khích kéo dài 

Các cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng tối 17.7 cũng không phải đốt pháo đơn thuần vì cổ vũ. Họ cố tình đốt pháo vì… ghét và phá ban tổ chức sân. Đó là những câu chuyện hiềm khích từ quá khứ giữa Hà Nội và Hải Phòng từ góc độ cạnh tranh chuyên môn đến những ứng xử bên ngoài sân cỏ đối với các cổ động viên. 

Nếu theo dõi 90 phút trận đấu có thể thấy rằng, không chỉ pháo sáng mà còn kèm theo cả những lời miệt thị, những lời lẽ có phần khiếm nhã trên khán đài mà cổ động viên Hải Phòng dành cho Hà Nội. Nên nhớ rằng, đó không phải là lần đầu tiên sự phản cảm, vô văn hóa này xuất hiện. 

Đã từng có những biện pháp mạnh được đưa ra như cấm cổ động viên Hải Phòng đến sân khách, “treo” sân Lạch Tray… thế nhưng bằng cách này hay cách khác, khán giả đất Cảng vẫn đến sân...

Ông Nguyễn Quốc Hội - Trưởng đoàn CLB Hà Nội - chia sẻ với Lao Động, ngày 21/7 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ có cuộc làm việc với VPF, CLB Hà Nội, lực lượng công an bên liên quan để tìm ra giải pháp ngăn chặn, không để tình trạng pháo sáng xuất hiện. 

Trong cuộc họp này, CLB Hà Nội cũng sẽ đưa ra những ý kiến về thực trạng một bộ phận cổ động viên quá khích Hải Phòng có những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đội bóng cũng như có những hành vi đốt pháo sáng ở trong trận đấu đã qua và những trận đấu trước đó.

Không loại trừ khả năng, biện pháp cuối cùng sẽ được đưa ra là cấm cổ động viên Hải Phòng vào sân Hàng Đẫy, trong các trận đấu gặp Hà Nội.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Xuân Thành - Trưởng ban kỷ luật VFF cho biết, đến chiều 20.7 vẫn chưa nhận được hồ sơ từ VPF báo cáo về sự việc cổ động viên đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng.

Vì vậy, Ban kỷ luật VFF chưa thể đưa ra án phạt. Ông Thành cũng nói rằng việc đốt pháo sáng, các mức phạt ra sao đã có quy định rõ ràng. Khi được hỏi rằng, nếu phạt trong trường hợp này CLB Hà Nội có thể chịu thiệt thòi vì họ đã cố gắng chuẩn bị an ninh, đối tượng chính phải là cổ động viên quá khích? Ông Thành cho biết, đây là việc mà cần phải căn cứ trên hồ sơ của giám sát trận đấu để cân nhắc. Nhưng một vấn đề được đặt ngược lại là tại sao ban tổ chức các trận đấu của Viettel trước đó họ làm tốt, không để xảy ra sự cố như trên? Đó là điều cần phải xem xét trong từng trường hợp, mức độ cụ thể.

Theo thống kê ở các mùa giải đã qua, 3 đội bóng có Ban tổ chức sân bị phạt nhiều tiền nhất do để cổ động viên đốt pháo sáng và ném vật thể lạ xuống sân là: Hà Nội (645 triệu đồng), Hải Phòng (380 triệu đồng) và Nam Định (235 triệu đồng). 3 đội bóng bị phạt nhiều tiền nhất vì cổ động viên gây ra những vấn nạn trên là: Hải Phòng (220 triệu đồng), Nam Định (195 triệu đồng), Sông Lam Nghệ An (60 triệu đồng).

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.