Mưa nhân tạo tuyệt đối an toàn
Theo tự nhiên, điều kiện để có mưa là phải có mây. Nếu không có mây thì phải tạo ra mây nhân tạo. Trên lí thuyết, để làm mây nhân tạo, người ta phải đưa máy bay hay tên lửa phun hoặc bắn các hóa chất kích thích không khí đi lên tạo thành mây. Hóa chất này là CaCl2, Ca2C và CaO, hợp chất muối, ure và anlonium nitrat. Đến giai đoạn tích lũy, số lượng hạt nhân ngưng kết và mật độ hạt tăng lên trong những đám mây. Trong giai đoạn cuối, máy bay phun vào các khối mây các loại hóa chất chậm đông iot bạc (AgI) và băng khô (CO2 đóng băng). Chúng gây mất cân bằng và tạo ra nước. Khi kích thước lớn, nó sẽ rơi xuống mặt đất.
Ở Malaysia, các chuyên viên làm mưa nhân tạo bằng cách pha hỗn hợp muối, chủ yếu là NaCl, để nạp vào bình phun trước chuyển lên máy bay. Ngoài Thái Lan, Singapore,... Bang California của Mỹ mới đây cũng làm mưa nhân tạo, khiến lượng mưa ở đây tăng thêm 15%. California cũng đang phải đối mặt với đợt hạn hán kéo dài do El Nino. Họ sử dụng phương pháp tĩnh bằng cách phun bạc i-ốt lên các đám mây. Phòng Công trình Công cộng (DPW) thuộc chính quyền hạt Los Angeles, bang California đã chi tới 500.000 USD thuê nhà thầu phun hóa chất tạo mưa. "Đây là một phương pháp cực kỳ khoa học", Kerjon Lee, trưởng phòng DPW của Los Angeles cho biết, nhấn mạnh lượng nước mưa này cực kỳ an toàn, không gây ô nhiễm nguồn nước, theo CBS.
"Làm mưa nhân tạo tuyệt đối an toàn", Lee nói. "Dựa trên nghiên cứu khoa học 50 năm nay, ước tính, chúng ta sẽ có thêm khoảng 5,6 tỷ m3 nước một năm". Theo Hiệp hội khí tượng Mỹ, đây là công nghệ làm thay đổi thời tiết tại các khu vực nhất định làm tăng lượng mưa, giảm rủi ro do mưa đá đem lại, làm tan sương mù hay cứu hạn.
Mưa nhân tạo trên sa mạc
Là một trong các nước khô hạn nhất trên Trái đất, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cũng đang cố làm trời đổ mưa trên sa mạc bằng cách cho máy bay bắn các quả "pháo muối" để gây giống các đám mây và tìm cách bóp nặn mọi giọt nước mưa cuối cùng từ những đám mây nhân tạo ấy.
UAE đã theo đuổi kỹ thuật gây giống đám mây suốt hơn 10 năm qua. Cơ quan Khí tượng và địa chấn học quốc gia (NCMS) được giao nhiệm vụ tiến hành chương trình này. Các chuyên gia dự báo khí tượng của NCMS luôn theo dõi các radar thời tiết để thông báo cho những phi công lái máy bay của chính phủ biết thời điểm cất cánh trong các sứ mệnh làm mưa nhận tạo. "Ngay sau khi họ nhìn thấy xuất có vài đám mây đối lưu hình thành, họ sẽ yêu cầu chúng tôi thực hiện chuyến bay kiểm tra", Mark Newman, một phi công của NCMS cho biết.
Ông Newman nói thêm rằng, nhóm thực hiện sứ mệnh sau đó sẽ cố gắng gây giống đám mây nếu gặp các điều kiện thích hợp. Viên phi công này nói, mùa hè thường là khoảng thời gian bận rộn nhất cho các sứ mệnh kiểu này. Sức mạnh của dòng không khí đi lên quyết định số lượng quả pháo muối dược bắn ra khi máy bay khảo sát nơi đám mây hình thành. Chẳng hạn như, nếu dòng không khí đi lên dịu nhẹ, các phi công sẽ phóng 1 hoặc 2 quả pháo muối. Nhưng nếu có dòng khí đi lên mạnh mẽ, họ sẽ bắn 4 và đôi khi tới 6 quả pháo hóa chất vào đám mây.
Một chuyến bay kéo dài trung bình 3 tiếng đồng hồ, có thể gây giống khoảng 24 đám mây và làm nhà chức trách tiêu tốn tới 5.000 USD. Theo ông Newman, không phải mọi đám mây mà họ gây giống sẽ sản sinh ra cơn mưa, nhưng chúng thường làm được điều đó. Thống kê của NCMS cho thấy, chương trình gây giống đám mây đã giúp làm tăng 30% lượng mưa hàng năm của nước này và một đám mây cỡ trung bình có thể chứa tới 270 triệu galon nước, cung cấp cho mặt đất lượng nước trị giá tới 300.000 USD.