Phần thưởng tuyệt vời nhất: Khích lệ đúng lúc giá trị hơn quà tặng

GD&TĐ - Khen thưởng sẽ tạo động lực, giúp trẻ tự tin hơn. Tuy nhiên, việc cha mẹ treo thưởng bằng những món quà xa xỉ hoặc số tiền lớn có thể khiến trẻ nghĩ rằng, mình cần đạt mục tiêu để được đổi lại bằng vật chất.

Lời khích lệ giúp trẻ tự tin hơn trong mọi việc. Ảnh minh họa.
Lời khích lệ giúp trẻ tự tin hơn trong mọi việc. Ảnh minh họa.

Nếu lời khen được coi là phần thưởng tuyệt vời thì những nhận xét phản ánh thành tích của trẻ cũng có ý nghĩa không hề thua kém. Khi đó, con sẽ cảm thấy tự hào về thành tích và cảm nhận được tình yêu của cha mẹ. 

Treo thưởng “mạnh tay”

Theo các chuyên gia tâm lí, khen ngợi và trao thưởng sẽ tạo cho trẻ cảm giác thú vị. Từ đó, giúp trẻ hiểu rằng, hành động và cách ứng xử nào của con sẽ được cha mẹ khen. Trong khi đó, những lời phê phán và hình thức phạt sẽ khiến con hiểu rằng, cha mẹ không hài lòng về hành vi đó. Đồng thời, con sẽ biết không được phép lặp lại.

Tuy nhiên, không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể áp dụng hệ thống thưởng - phạt. Thực tế, khi thưởng hoặc phạt con, cha mẹ đều phải áp dụng dựa vào từng tình huống và cá tính của trẻ.

Đặc điểm tư duy của trẻ em rất đơn giản. Hầu hết trẻ đều rất thích được thưởng. Phần thưởng có vai trò khích lệ, kích thích, động viên trẻ trong học tập, sinh hoạt…

Đặc biệt, khi xã hội phát triển, cha mẹ có xu hướng nuông chiều con hơn. Treo thưởng khi con hoàn thành nhiệm vụ nào đó trở thành việc “thường ngày”. Không ít ông bố, bà mẹ cam kết sẽ đưa con đi sở thú, hoặc đi chơi vào cuối tuần, nếu trẻ chăm chỉ, hoàn thành bài tập về nhà. Hoặc, trẻ sẽ được thưởng món đồ chơi ưa thích nếu rửa bát hằng ngày. Hay, nếu dọn dẹp phòng ngăn nắp, con sẽ được một hộp bút màu mới…

Thậm chí, nhiều phụ huynh sẵn sàng tuyên bố sẽ thưởng con nhiều tiền, hoặc một chuyến du lịch nước ngoài, nếu trẻ hoàn thành mục tiêu đề ra. Chị Mai Lan - phụ huynh tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, gia đình “không ngại” thưởng con vài triệu đồng để mua sắm, miễn là trẻ đạt danh hiệu học sinh giỏi.

“Vợ chồng tôi quan niệm, con đã học rất vất vả để đạt được thành tích tốt. Do đó, chúng tôi không tiếc khi thưởng con nhiều tiền. Tôi cho rằng, con xứng đáng được hưởng điều đó”, nữ phụ huynh cho biết.

Trong khi đó, anh Viết Tuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) “mạnh tay” chi vài chục triệu  đồng để con gái du lịch nước ngoài, nếu cháu không phải học sinh... trung bình.

“Tôi biết con không có khả năng tập trung tốt trên lớp và cũng hay bị phê bình. Do đó, tôi quyết định treo thưởng cho con đi du lịch, miễn là cháu không phải học sinh trung bình của lớp”, nam phụ huynh chia sẻ.

Thưởng quà thường xuyên sẽ khiến con nhàm chán. Ảnh minh họa.

Thưởng quà thường xuyên sẽ khiến con nhàm chán. Ảnh minh họa.

Phương pháp không “bền”

Không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với việc treo thưởng cho con. Nhiều người cho rằng, thường xuyên treo thưởng, thậm chí là cho tiền hoặc món đồ xa xỉ, có thể khiến con phấn đấu chỉ vì vật chất. Trong khi đó, một số phụ huynh “tặc lưỡi” rằng, nếu có điều kiện, cha mẹ không nên tiếc con, miễn là trẻ hoàn thành nhiệm vụ.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý học trẻ em, nhà tư vấn phụ huynh Phan Linh cho biết: “Phần thưởng vốn được nhiều người khuyến khích cha mẹ áp dụng để thiết lập các giới hạn. Xét cho cùng, phần thưởng là một cách hấp dẫn để lôi kéo con làm theo điều gì đó. Nó cũng là cách dễ dàng hơn so với việc phải giải thích hay lập luận điều gì đó về giới hạn cho con”.

Có thể nói, phương pháp treo thưởng giúp “đôi bên cùng có lợi”. Song, thực tế, chuyên gia này cho rằng, cách làm này “có vẻ” tích cực và hiệu quả, cho tới khi nó không còn tác dụng.

“Điều gì xảy ra khi bạn yêu cầu con cho chú mèo ăn và hỏi con sẽ nhận được gì từ việc đó? Hoặc nếu con không chịu ngồi bô và bạn hứa sẽ cho con ăn kẹo socola để tập cho con ngồi bô? Phần thưởng mang lại một chút kiểm soát trong thời điểm này nhưng chúng cũng được chứng minh là làm giảm động lực tự nhiên”, bà Linh chia sẻ.

Lý giải về điều này, nữ chuyên gia cho biết, khi đó, con sẽ làm điều gì đó để nhận được phần thưởng. Tuy nhiên, không phải vì con cảm thấy hành động đó tốt hoặc cần phải làm những gì được yêu cầu. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy, dù sớm hay muộn, phần thưởng cũng sẽ ngừng hoạt động và không còn hiệu quả nữa.

“Những thứ đơn giản như một chiếc kẹo ở cửa hàng tạp hoá để đáp ứng các nhu cầu rồi sẽ không còn tác dụng nữa. Bởi, có một ngày, trẻ sẽ đòi thêm 2, 3 thậm chí túi kẹo, nhiều hơn là những chiếc kẹo thì mới chịu đáp ứng nhu cầu của cha mẹ”, nữ chuyên gia dẫn chứng.

Trong khi đó, ThS.BS Nguyễn Lan Hải - chuyên gia giáo dục giới tính và tình dục, đạo đức học sinh, nhận định, phụ huynh không nên thưởng con “vô tội vạ”. Nếu làm việc gì cũng được khen tấm tắc và tặng quà, trẻ sẽ nhàm chán và tỏ ra thờ ơ. Đồng thời, con sẽ liên tục “leo thang” đòi mua thêm những thứ mình thích.

“Tuyệt đối không “mua chuộc” con bằng tiền. Việc “thưởng nóng” sẽ ngầm tác động đến mục tiêu học tập của trẻ là vì tiền thưởng. Trẻ mất dần động cơ phấn đấu khi không nhận được món tiền như ý muốn, hoặc tiến tới “ra điều kiện” với cha mẹ: “Nếu không mua cho con cái này, con sẽ không làm cái kia”, chuyên gia cho biết.

Treo thưởng bằng tình cảm

Theo bà Nguyễn Hân - Giảng viên tại Hệ thống Giáo dục Kỹ năng sống Cara, trẻ coi lời khen ngợi là một phần thưởng. Ý thức tích cực về bản thân là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con. Trẻ em có lòng tự trọng cao, cảm thấy được yêu thương, có năng lực và hạnh phúc. Do đó, lời khen ngợi cũng góp phần phát triển kỹ năng sống cho trẻ.

Chuyên gia Phan Linh chia sẻ, không chỉ khen ngợi, phụ huynh cũng nên tập trung vào những nhận xét phản ánh thành tích của trẻ, như: “Con đã làm được!”, “Con cảm thấy sao về việc này?”.

“Trong một nền văn hóa tràn ngập những lời khen ngợi, thật khó để làm được điều này. Nhưng hãy để trẻ cảm thấy không chỉ tự hào về thành tích mà còn cảm nhận được tình yêu của chúng ta dành cho trẻ”, nữ chuyên gia khuyến cáo.

Bà Phan Linh gợi ý, cha mẹ có thể sử dụng câu nói đơn giản: “Mẹ thích ngắm nhìn con”. Chuyên gia này chia sẻ, câu nói này không ca ngợi một kết quả hay một đặc điểm. Do đó, nó có thể được sử dụng bất cứ khi nào con tham gia vào một việc gì đó.

Đồng thời, câu nói mang ý nghĩa rằng, “cha mẹ yêu con và cả những gì con đang làm”. Điều quan trọng là, câu nói không làm tình yêu của cha mẹ trở nên có điều kiện dựa trên bất kỳ kết quả cụ thể nào. Bà Phan Linh gợi ý, phụ huynh có thể nói điều này với một đứa trẻ vừa thua trận đấu thể thao, hoặc bị ngã và không thể hoàn thành cuộc đua.

Chuyên gia nuôi dạy con tích cực Nguyễn Tú Anh (Happy Parenting) chia sẻ, bất cứ ai cũng thích được tán dương khi đạt một thành tựu nào đó. Đối với trẻ em cũng vậy. Do đó, khi con đạt được một điều gì đó dù bình thường, cha mẹ cũng không nên tiếc lời khen dành cho trẻ.

“Ví dụ, một bức tranh con tô có bị lem màu, cha mẹ đừng vội đánh giá. Hãy nâng niu, khen ngợi hợp lý và góp ý để con phát huy khả năng tốt hơn sau này. Trẻ con khi được tán dương sẽ rất phấn khích. Chúng cảm thấy mình được công nhận. Trẻ sẽ cố gắng hơn trong những việc làm tương tự”, bà Tú Anh cho biết.

Không ít phụ huynh cho rằng, có thưởng sẽ có phạt. Một số cha mẹ sẵn sàng dùng đòn roi hoặc hình phạt nặng đối với con. Tuy nhiên, phụ huynh hãy dạy con bài học để tốt hơn thay vì trừng phạt.

Chuyên gia này cho biết, trẻ em thường có thói quen bắt chước những hành vi của cha mẹ. Phụ huynh làm như thế nào, con cũng sẽ hành xử như vậy. Do đó, nếu trẻ có những hành động không đúng, cha mẹ được khuyến khích từ từ khuyên bảo và giải thích lí do tại sao không nên làm như thế. Bên cạnh đó, cha mẹ cần nghe những lời nói từ phía trẻ. Từ đó, có thể thấu hiểu và cảm thông.

“Những hình phạt mà cha mẹ dành cho con như úp mặt vào tường, giơ hai tay ra đằng trước và đứng yên một chỗ… đều không mang lại hiệu quả cao. Trẻ vẫn không hiểu tại sao lại như vậy. Thay vì dùng những hình thức trách phạt, hãy giúp trẻ nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình tốt hơn”, bà Tú Anh chia sẻ.

“Mỗi khi con làm sai hay có lỗi lầm gì đó, thông thường cha mẹ sẽ tìm cách trừng phạt cho trẻ nhớ mà không mắc sai lầm nữa. Song, đây là cách giáo dục cổ xưa, lạc hậu và hoàn toàn sai lầm” - Chuyên gia nuôi dạy con tích cực Nguyễn Tú Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.