Vùng đất này đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng, liệt sĩ anh dũng không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó có nhà giáo, nhà báo, Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển.
Thủ lĩnh khởi nghĩa Hòn Khoai
Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910 tại phường Thới Bình, TP Cần Thơ. Tròn 10 tuổi ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà con trong dòng họ che chở, cưu mang. Vốn là cậu bé cần cù, chăm chỉ, thông minh nên khi học hết bậc tiểu học ở trường làng, Phan Ngọc Hiển thi đỗ vào Trường Trung học Sư phạm Sài Gòn.
Sau khi bị hành quyết, thi thể của 10 đồng chí khởi nghĩa Hòn Khoai được giặc Pháp chôn chung một hố (nhân dân còn gọi là mả 10 người). Đất nước thống nhất, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng nghĩa trang để tưởng nhớ công lao của 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Đồng thời, tỉnh quyết định chọn ngày khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940) làm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau.
Trong quá trình học, Phan Ngọc Hiển từng bị đuổi học do tham gia các phong trào biểu tình khích lệ tinh thần yêu nước, nhưng rồi bằng nhiều nỗ lực ông vẫn tốt nghiệp với điểm tối ưu. Nhằm triệt hạ tư tưởng cách mạng của chàng trai trẻ, thực dân Pháp đày ông ra tận Rạch Gốc, Cà Mau dạy học, bởi nơi đây là vùng sình lầy, rừng rậm, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, khó sinh sống. Thế nhưng chúng đâu ngờ, người yêu nước thì ở đâu cũng vẫn yêu nước.
Tại đây, thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển đã đi đến từng gia đình vận động đồng bào cho con em đi học. Đặc biệt, thầy còn truyền tinh thần yêu nước, ý chí phản kháng sự nô dịch đến từng học trò.
Thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã chủ động liên lạc với những đồng chí lãnh đạo Đảng và học tập đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, theo đuổi lý tưởng giải phóng ách thống trị bằng sức mạnh toàn dân. Mấy năm trời kể từ khi nhà giáo trẻ đến, mảnh đất hoang vu vùng Đất Mũi bỗng trở nên rạo rực sức sống, như có một luồng sinh khí mới.
Thấy không ngăn chặn được lý tưởng cách mạng và sức tuyên truyền sâu rộng của người thầy giáo trẻ, chính quyền thực dân đã ra lệnh cấm Phan Ngọc Hiển không được dạy học. Năm 1935, ông chuyển sang viết báo, công tác ở nhiều tờ báo nổi tiếng, trực tiếp tham gia hoạt động trong tổ chức cách mạng và sau đó được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ Đảng thị xã Cà Mau.
Tháng 6/1940, Tỉnh ủy Bạc Liêu phân công Phan Ngọc Hiển cùng một số đồng chí ra Hòn Khoai để chuẩn bị khởi nghĩa. Khi ra đảo, Phan Ngọc Hiển đã trực tiếp xin sếp đảo người Pháp Olivier cho mở lớp dạy học, mà học trò không ai khác, chính là những nhân viên gác đèn biển.
Những thanh niên ít học đã được thầy giáo Phan Ngọc Hiển mở mang kiến thức, đồng thời cũng được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giải phóng dân tộc.
Theo kế hoạch đã chuẩn bị từ nhiều tháng, vào lúc 23 giờ 15 phút ngày 13/12/1940, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo đã nổ ra. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường và mưu trí, lực lượng khởi nghĩa đã tiêu diệt được tên sếp đảo Olivier, bắt sống đồng bọn và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, đồng thời làm chủ tình hình trên đảo.
Sáng hôm sau, các chiến sĩ vượt biển trở về đất liền trong niềm vui chiến thắng. Tuy nhiên, sau đó vài ngày quân giặc tổ chức phản công, huy động lực lượng, tàu chiến vào Rạch Gốc giết hại dân chúng, truy lùng quân khởi nghĩa Hòn Khoai. Sau nhiều ngày cầm cự, anh dũng chiến đấu, ngày 22/12/1940, Phan Ngọc Hiển và một số đồng chí khác đã bị địch bắt tại bãi Khai Long.
Hiên ngang trước mũi súng kẻ thù
Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau - người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau, cho biết: Từ những tài liệu sưu tầm được cũng như khai thác nguồn thông tin từ các nhân chứng còn sống, ông mới hay sau khi bị bắt tại bãi Khai Long, các đồng chí khởi nghĩa Hòn Khoai bị giặc Pháp giam cầm, tra tấn dã man trong nhiều tháng.
Ngày 12/7/1941 thực dân Pháp đã thi hành án tử hình 8 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai gồm: Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Nguyễn Văn Cẩn, Ngô Kinh Luân, Nguyễn Văn Bỉnh và 2 cán bộ của Đảng ta liên quan đến cuộc khởi nghĩa là Quách Văn Phẩm (Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau) và Lê Văn Khuyên. Việc xử án diễn ra tại sân vận động thị xã Cà Mau bấy giờ.
“Dù cận kề cái chết, trước họng súng của kẻ thù nhưng người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai chẳng những không hề khiếp sợ mà còn hiên ngang, biểu dương lòng yêu nước. Phan Ngọc Hiển dõng dạc tuyên bố: Những người cộng sản coi cái chết rất tầm thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập”, ông Nguyễn Hữu Thành, chia sẻ.
Trước khi kẻ thù nổ súng, đồng chí Phan Ngọc Hiển hô to: “Nước Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.
Ngày 6/4/2011, Nghĩa trang 10 Anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai được UBND tỉnh Cà Mau công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, nghĩa trang bị xuống cấp.
Năm 2016 lãnh đạo tỉnh Cà Mau thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng, nâng cấp Nghĩa trang 10 Anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai và đổi tên thành Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai.
Đền thờ được khởi công xây dựng năm 2017 trên diện tích hơn 8.000m², gồm các hạng mục: Hồ nước, mô hình đảo Hòn Khoai thu nhỏ, đền thờ, nhà che mộ, nhà quản lý… với tổng mức đầu tư 40,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Đền thờ được khánh thành nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau (13/12/1940 - 13/12/2018). Công trình văn hóa, lịch sử này là nơi tổ chức các hoạt động tưởng niệm, ghi công các anh hùng, liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời công trình còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tri ân, tôn vinh những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.
Những ngôi trường tự hào mang danh
Ghi nhận công lao to lớn của nhà giáo, nhà báo, Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển đối với quê hương, tỉnh Cà Mau đã lấy tên ông đặt tên cho một huyện, đó là huyện Ngọc Hiển - huyện cuối cùng trên bản đồ hình chữ S.
Tên ông cũng được chọn đặt cho nhiều tuyến đường, cầu giao thông và trường học trên địa bàn tỉnh như: Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau); Trường THPT Phan Ngọc Hiển; Trường THCS Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn); Trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển)...
Tất cả những ngôi trường mang tên người anh hùng đều được tỉnh quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, là những trường có bề dày thành tích dạy tốt, học tốt. Ông Lê Chí Nguyễn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển cho biết, đến nay trường đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển.
Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển có nhiệm vụ chính là phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục và đào tạo học sinh phát triển toàn diện trở thành những người có đức, có tài. Ban đầu trường chỉ có lớp chuyên các môn Văn, Lý, Hoá, nhưng nay đã phát triển đủ tất cả các môn như Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Tin học, Ngoại ngữ...
“Thầy trò chúng tôi luôn tự hào vì được dạy và học trong ngôi trường mang tên nhà giáo, Anh hùng LLVTND Phan Ngọc Hiển. Thời gian tới, tập thể nhà trường sẽ tiếp tục ra sức nỗ lực phấn đấu để đạt nhiều thành tích cao hơn trong dạy và học, xứng đáng với những đóng góp lớn lao của anh hùng Phan Ngọc Hiển”, thầy Lê Chí Nguyễn chia sẻ.
Nguyễn Hải Âu, học sinh Trường THPT Ngọc Hiển cho biết, rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Ngọc Hiển - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
“Từ nhỏ em đã được nghe kể nhiều câu chuyện về nhà giáo, anh hùng Phan Ngọc Hiển. Em rất kính trọng lòng dũng cảm, tình yêu nước của ông và biết ơn các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để chúng em được sống trong hòa bình, được học hành trong những ngôi trường khang trang, hiện đại. Em hứa sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp công sức vì sự phát triển của quê hương, đất nước”, Hải Âu nói.
Thầy Lâm Quốc Toản, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hiển chia sẻ, dù nằm ở vùng sâu, xa, nhưng những năm qua thầy, trò nhà trường luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tích trong dạy và học.
“Trường đang được đầu tư xây dựng mới. Hy vọng trong năm học tới với cơ sở vật chất khang trang và sự nỗ lực vươn lên không ngừng trong công tác dạy và học nhà trường sẽ tạo được bước đột phá về chất lượng, rút dần khoảng cách học tập giữa thành thị với khu vực nông thôn”, thầy Toản phấn chấn bày tỏ quyết tâm.
Hằng năm vào các ngày lễ, đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đều tổ chức lễ viếng Đền thờ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, nhiều trường học cũng tổ chức cho học sinh, sinh viên về nguồn tại các di tích lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nhằm ôn lại truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ, để các em nỗ lực hơn trong học tập, sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, ông đi trước.