Theo hành trình đổi mới, sáng tạo

Làm báo ở vùng Đất Mũi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiếm nơi nào như Cà Mau có đến 3 nhà báo là liệt sĩ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp tuổi cao nhưng vẫn chịu khó học hỏi ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp tuổi cao nhưng vẫn chịu khó học hỏi ứng dụng công nghệ thông tin.

Đó là nhà giáo - nhà báo Phan Ngọc Hiển, nhà báo Trần Ngọc Hy, nhà báo Nguyễn Mai. Những nhà báo trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến còn sống tại địa phương hiện rất ít. Họ vẫn luôn là tấm gương sáng, truyền lửa cho đội ngũ kế thừa qua những câu chuyện nghề.

Từ nhà giáo đến nhà báo

Năm nay đã 86 tuổi, nhưng nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên phụ trách báo Minh Hải, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau vẫn giữ thói quen đọc sách, báo hằng ngày. Trong những ngày tháng 6, cả nước kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), gợi cho nhà báo đã về hưu những ký ức về một thời từng “lăn lộn” với nghề, thời kỳ mà hoạt động báo chí còn rất khó khăn.

“Làm báo hiện nay khác xưa rất nhiều, nếu mình không học hỏi, trau dồi rèn luyện thêm kiến thức sẽ dễ bị tụt hậu. Tôi không ngại học hỏi từ các bạn trẻ về công nghệ làm báo, còn học được thì cứ học cho tốt, để thỏa niềm đam mê với nghề”, nhà báo Đỗ Văn Nghiệp chia sẻ.

Năm 1954, khi còn đang học ở trường làng, ông Phạm Văn Tri (lúc đó 14 tuổi) đã được thầy giáo Dương Công Luận chọn để chăm bồi làm giáo viên dạy thay, bởi vì thầy Luận biết mình không ở lại dạy được lâu và nhận thấy ông Tri là người có nền tảng kiến thức tốt, tiếp thu bài nhanh.

Đúng như dự định, khi thầy giáo Luận chuyển đi nơi khác dạy, ông Tri đã thay thế thầy mình dạy học ở lớp bình dân học vụ tại xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Vừa dạy, ông Tri vừa làm công tác tuyên truyền, cổ động tại xã. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng ông dạy học rất tốt, nhiều lần quân giặc đến kiểm tra lớp học nhưng ông vẫn bình tĩnh dạy.

“Tôi nhớ có một lần đọc tập thơ “30 năm đời ta có Đảng” xong để trong phòng ra lớp dạy học. Đang dạy thì bất ngờ quân lính kéo vào lớp, cả chục tên lục soát. Dù trong lòng rất lo lắng nhưng tôi tỏ ra bình tĩnh, dạy học bình thường, cũng may chúng không lục soát trong phòng riêng nên không phát hiện tập thơ”, ông Tri nhớ lại.

Sau một thời gian, ông Phạm Văn Tri được điều về xã, rồi lên huyện làm công tác tuyên truyền, cũng có thời gian ông được phân công dạy lớp học cho con em cán bộ ở xã. Tiếp đến ông được Ban Tuyên huấn tỉnh chọn đưa đi học lớp báo chí ở “R” (Trung ương Cục miền Nam). Trở về sau khóa học, ông chính thức trở thành phóng viên của Báo Cà Mau giải phóng, sau đổi tên thành Báo Cà Mau – Bạc Liêu, rồi Báo Minh Hải (nay là Báo Cà Mau).

Trong thời gian làm phóng viên, ông Tri rất chịu khó đi viết bài. Bài của ông được lên trang báo, xuất bản đều đặn, trong đó có nhiều bài viết phản ánh phong trào đấu tranh trực diện của quần chúng nhân dân, mang “hơi thở” của người dân, được dư luận thời đó quan tâm.

“Lúc tôi vào nghề chừng 23 - 24 tuổi. Thời đó anh em làm báo nhiệt huyết cao lắm, mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm đều nỗ lực vượt qua. Khi đi tác nghiệp, cơ quan chỉ cấp cho chiếc xuồng chèo, ôm theo gói đồ nhỏ là đi, đi đến đâu chèo đến đó, đói thì ghé nhà dân xin cơm, mệt thì xin nghỉ nhờ. Người dân rất thương cán bộ cách mạng, nên nhiệt tình hỗ trợ nơi ăn, chốn ở, nếu không nhờ dân đùm bọc thì không thể tác nghiệp được. Đi viết một chuyến có khi cả tháng mới về nhưng không hề bị đói ngày nào”, ông Tri xúc động nói.

Nhà báo Phạm Văn Tri kể, trong một chuyến đi công tác cùng đồng nghiệp qua huyện Thới Bình, bất ngờ bị máy bay giặc càn quét bắn phá, cả 2 phải chạy trốn dưới những mương phèn, cánh đồng năng. Dù may mắn thoát chết nhưng người đồng nghiệp của ông bị trúng đạn ở cánh tay.

“Làm báo thời chiến luôn tiềm ẩn nguy hiểm, có khi đi len lỏi vào rừng gặp rắn rết, thú dữ tấn công, phải tránh tai mắt quân địch... Khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng vẫn không làm chùn bước những người cầm bút, cầm máy. Họ vẫn cứ tác nghiệp vì niềm say mê nghề, mong muốn đóng góp một phần công sức giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc và xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”, ông Tri chia sẻ.

Nhà báo Phạm Văn Tri giữ thói quen đọc sách, báo hằng ngày.
Nhà báo Phạm Văn Tri giữ thói quen đọc sách, báo hằng ngày.

Hơn 80 tuổi vẫn đam mê nghề báo

Đam mê làm báo từ nhỏ, nhưng mãi đến năm 1975 ông Đỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) nguyên Giám đốc Đài PTTH Minh Hải (nay là Đài PTTH Cà Mau) mới bén duyên với nghề báo. Từ một nhà báo “tay ngang”, ông Sơn quyết tâm ăn học để có kiến thức, gắn bó lâu dài về nghề. Năm 1979, ông đi học lớp đào tạo báo chí tại Hà Nội. Sau khóa học trở về địa phương ông cùng đồng nghiệp bắt tay xây dựng Đài PTTH Minh Hải, một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước có chủ trương xây dựng Đài PTTH cấp tỉnh.

“Báo hình lúc đó còn khá mới mẻ, quá trình xây dựng đài gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhờ sự chung sức, đồng lòng của tập thể, chịu khó tìm tòi, học hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng xây dựng được đài hoàn chỉnh. Thời đó, truyền hình có sức hút lớn lắm. Trước khi chưa có truyền hình địa phương, buổi chiều người dân thường tập trung đi chơi trên các tuyến đường ở thị xã Cà Mau. Nhưng khi truyền hình phát sóng những chương trình đầu tiên, thì buổi chiều ít thấy người đi ngoài đường. Người dân tập trung ở nhà xem truyền hình, dù chỉ là tivi trắng đen”, nhà báo Đỗ Văn Nghiệp nhớ lại.

Sau khi về hưu, nhà báo Đỗ Văn Nghiệp vẫn tiếp tục cầm bút, đi khắp nơi trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ. Ông được nhiều đồng nghiệp yêu quý, mời cộng tác viết sách lịch sử hoặc viết các phim tư liệu, ký sự vùng miền. Đối với ông, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, va chạm thực tế, một hành trình rèn luyện ngòi bút thêm sắc sảo.

“Trước đây, tôi không có nhiều thời gian làm phóng viên, khi chuyển công tác qua đài PTTH Cà Mau đã là lãnh đạo. Vì thế khi về hưu tôi muốn dành nhiều thời gian để được làm phóng viên, được đi tác nghiệp nhiều nơi. Tôi rất vinh dự khi được đi tác nghiệp trên đất Lào thực hiện tác phẩm “Chung dãy Trường Sơn” và được đi tác nghiệp ở những vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để thông qua bài viết của mình truyền tải những thông điệp nhân văn về tình yêu quê hương, đất nước đến người dân”, nhà báo Đỗ Văn Nghiệp chia sẻ.

“Viết báo không phải mục đích chính để kiếm tiền, giải trí mà để làm thay đổi đời sống nhân dân, góp phần phát triển đất nước. Thời đại nào cũng vậy, trước khi viết báo, cần xác định rõ tiêu chí, mục tiêu của người cầm bút, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, người làm báo càng phải nỗ lực nhiều hơn, không ngừng rèn luyện ngòi bút và phẩm chất đạo đức, khẳng định thông tin chính thống của báo chí cách mạng trong tình hình mới”. - Nhà báo Phạm Văn Tri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ