Đổi thay ở quê hương Anh hùng Vừ A Dính

GD&TĐ - Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, công tác giảm nghèo của xã Pú Nhung tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Người dân xã Pú Nhung trồng ngô.
Người dân xã Pú Nhung trồng ngô.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo là căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Đây cũng chính là quê hương của Anh hùng, liệt sĩ Vừ A Dính.

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, công tác giảm nghèo của xã Pú Nhung đã đạt những kết quả quan trọng.

Từ một vùng quê nghèo khó với nhiều cái “không” như: Điện, đường, trường, trạm…, đến nay, Pú Nhung đã khoác lên mình “áo mới”, cuộc sống ngày càng ấm no hơn.

Ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung chia sẻ: “Chính quyền địa phương luôn xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Cùng với đó, xã Pú Nhung đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng bản, hộ gia đình. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, lạc hậu của người dân. Cùng với đó, đẩy mạnh tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

pu_nhung_2.jpg
Người dân xã Pú Nhung tích cực đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp.

“Để xóa đói giảm nghèo cho người dân, chúng tôi đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình 30a, 135,… hỗ trợ người dân về cây, con giống, máy móc, phương tiện sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân. Tạo điều kiện cho người dân, nhất là các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ”, ông Vừ A Kỷ cho biết.

Đến nay, toàn xã Pú Nhung đã phát triển được khoảng 70ha cây dứa, hơn 10ha cây mắc ca và trên 90ha cây ăn quả như: Bưởi, xoài, mít. Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã trên 28.000 con.

Các chương trình chính sách hỗ trợ về y tế, nhà ở, giáo dục cũng được triển khai giúp người dân có điều kiện tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Được Đảng, Nhà nước quan tâm, giờ đã có đường ôtô lên bản, đời sống kinh tế của người dân cũng dần khá lên. Các loại hàng hóa như cây ngô, cây lúa, đậu tương đem bán giờ được thương lái được đến tận bản thu mua. Có nhà văn hóa, bà con giao được lưu sinh hoạt thường xuyên. Con em trong bản đều được đến trường đầy đủ, cuộc sống dần ấm no hơn", ông Ly Giống Lềnh, Bí thư Chi bộ bản Tênh Lá, xã Pú Nhung chia sẻ.

Nỗ lực vượt khó

Nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn, chính quyền địa phương còn khuyến khích người nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt và tận dụng diện tích đất vườn trồng cỏ để làm thức ăn.

pu_nhung_3.jpg
Gia đình anh Chá Nhìa Thào chăm sóc vườn dứa.

Trước đây, vườn dứa của gia đình anh Chá Nhìa Thào, bản Đề Chia A, xã Pú Nhung chủ yếu để trồng sắn. Do canh tác lâu năm, đất bạc màu nên năng suất thấp. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình anh đã chuyển đổi sang trồng dứa.

Anh Thào cho biết: “Với diện tích hơn 3.000m2 nếu trồng sắn như trước và được giá thì thu nhập được khoảng 10 triệu. Nhưng 3 năm nay, tôi đã chuyển sang trồng dứa và hiệu quả kinh tế đã cao hơn hẳn. Năm ngoái, vườn này chúng tôi thu được 35 triệu đồng. Nếu có nhà máy hay doanh nghiệp nào nhận thu mua thì chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dứa".

Ông Vừ A Hồ, cán bộ khuyến nông xã Pú Nhung chia sẻ: “Trong 3 năm trở lại đây, ở xã Pú Nhung chủ yếu trồng ngô và dứa. 2 loại cây này về kinh tế cũng hơn hẳn cây sắn. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến 8/8 bản của xã phát triển trồng dứa, ngô. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tích cực hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc phòng trừ bệnh cho cây để làm sao cho hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Anh Sùng A Thanh, Bản Đề Chia B, xã Pú Nhung cho biết, để phát triển kinh tế, gia đình anh tập trung nuôi trâu, bò.

"Chúng tôi chủ yếu nuôi nhốt, trồng và cắt cỏ cho ăn. Qua đó, hạn chế được việc gia súc bị bệnh, chết rét hoặc rơi xuống vách đá. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng ngô, kinh doanh dịch vụ cho thuê phông rạp đám cưới. Qua đó, góp phần đem lại thu nhập ổn định", anh Sùng A Thanh nói.

Mặc dù công tác giảm nghèo ở xã Pú Nhung đạt được những kết quả quan trọng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn khoảng hơn 40%. Con số này phản ánh những khó khăn hiện nay của địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô vẫn còn khá phổ biến. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Việc chăn nuôi, trồng trọt kém hiệu quả, dẫn đến năng suất, thu nhập của người dân thấp. Sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ, giá thành không ổn định... đây là những cản trở lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

pu_nhung_4.jpg
Người dân chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng xoài.

Ông Vừ A Kỷ cho biết, hiện thu nhập của người dân Pú Nhung còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bà con trên địa bàn vẫn chỉ trồng ngô, dứa là chủ yếu.

Đặc biệt tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân muốn trồng cây ăn quả hay trồng cỏ chăn nuôi cũng không có nước tưới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 23 triệu đồng.

"Chúng tôi cũng rất mong được sự quan tâm của các cấp tạo điều kiện cho bà con có nước sinh hoạt, tưới tiêu”, ông Vừ A Kỷ nói.

“Nếu có nước tưới tiêu nhưng không trồng lúa được thì chúng tôi sẽ vận động bà con chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây mắc ca để tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân", ông Vừ A Kỷ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ