Phần mềm tìm kiếm bạn đời cho người khuyết tật đầu tiên trên thế giới

Inclov - Phần mềm tìm kiếm bạn đời cho người khuyết tật ở Ấn Độ - đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ứng dụng này kỳ vọng mở ra cơ hội hẹn hò cho 26,8 triệu người khuyết tật ở Ấn Độ.

Người khuyết tật ở Ấn Độ phải trải qua nhiều rào cản trong xã hội.
Người khuyết tật ở Ấn Độ phải trải qua nhiều rào cản trong xã hội.

Cơ hội tìm kiếm cuộc sống mới cho người khuyết tật

Ở tuổi 33, Srilatha KS là nhân viên của một công ty phần cứng máy tính hàng đầu Bangalore với mức lương cao. Tuy nhiên, trong khi bạn bè đã yên bề gia thất thì cô vẫn chưa tìm được người yêu vì là người khuyết tật.

Ở Ấn Độ, tuổi trung bình kết hôn của phụ nữ là 22. Cha mẹ Srilatha không chủ động tìm kiếm chồng cho con gái vì nghĩ rằng, chỉ có Srilatha mới quyết định được hạnh phúc của mình.

Vài năm trước, Srilatha sử dụng các trang web hẹn hò trực tuyến nhưng không tìm được người phù hợp. Gần đây, cô đã sử dụng Inclov - ứng dụng di động đầu tiên trên thế giới dành cho người khuyết tật và người có vấn đề về sức khỏe.

Inclov đã mở ra cơ hội cuộc sống mới cho 26,8 triệu người khuyết tật ở Ấn Độ, trong đó 42% không bao giờ kết hôn. Kể từ khi sử dụng Inclov, Srilatha đã tìm thấy vài “đối tác” phù hợp và cô quyết định kết bạn với người đàn ông khuyết tật. Hai người đã có những buổi hẹn hò lãng mạn.

Inclov được sử dụng trên điện thoại thông minh. Khi tham gia Inclov, người dùng phải cung cấp hồ sơ cá nhân với nhiều thông tin như mức độ phụ thuộc vào người khác, thuốc men và liệu pháp điều trị bệnh… Người dùng cũng phải trả lời câu hỏi đại ý như: "Bạn có thể quan hệ tình dục và sinh con?".

Mantrii, 29 tuổi, một người gặp vấn đề về xương sống nói: "Thông tin mà Inclov cung cấp giúp chúng tôi hình dung rõ ràng về đối tác mà mình tìm kiếm”.

Ajit Babu, 27 tuổi, mắc chứng bại não nhẹ, một nhà hoạt động giúp đỡ người tàn tật tại Bangalore chia sẻ, ứng dụng đã mang đến cơ hội hẹn hò cho người khuyết tật ở Ấn Độ - những người không bao giờ sử dụng trang web hẹn hò vì sợ bị đánh giá, “soi mói” vì khả năng của họ.

“Ngày càng nhiều người khuyết tật có xu hướng kết hôn với một người có khuyết tật khác. Để có được mối quan hệ tốt đẹp, điều quan trọng là phải có sự bình đẳng giữa vợ và chồng” - Ajit Babu nói.

"Kết hôn với một người khuyết tật sẽ làm thay đổi nhịp độ cuộc sống"

Srilatha KS vẫn chưa có được cái “kết đẹp” cho cuộc hôn nhân của mình. Bố mẹ của chàng trai mà cô yêu thương không chấp thuận mối quan hệ của họ. "Họ không muốn con trai mình lấy người khuyết tật. Là một người con ngoan, anh ấy không muốn làm trái ý bố mẹ", Srilatha nói.

Giống như nhiều bậc phụ huynh có con em khuyết tật ở Ấn Độ, họ muốn tìm một người phụ nữ khỏe mạnh để chăm sóc con trai và nhà cửa. Các gia đình này thường tìm phụ nữ đã bỏ học ở vùng nông thôn hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay đã ly hôn.

Deepa Narasimhan, Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty phần mềm máy tính ở Bangalore nói rằng: "Phụ nữ khuyết tật lấy chồng sau đó ly thân hay ly hôn ngày càng gia tăng.

Điều này khiến các bậc cha mẹ cảm thấy e ngại. Họ muốn con cái có việc làm ổn định, sống với họ suốt đời hơn là việc đẩy con cái vào những cuộc hôn nhân không có tương lai”.

Thực tế cho thấy, nhiều người khuyết tật ở Ấn Độ không kết hôn, họ phải nỗ lực để khẳng định sự độc lập trong công việc và cuộc sống. Với người khuyết tật, cơ hội được học tập và tìm việc làm rất hạn chế. Kuhu Das, người sáng lập Hiệp hội Phụ nữ khuyết tật ở Kolkata cho biết, "khuyết tật và khái niệm phụ nữ hoàn hảo không phù hợp với nhau”.

Bà Kuhu Das nói thêm rằng, một vài năm sau kết hôn, nhất là sau khi đứa con đầu lòng ra đời, một số người chồng “mất hứng thú” và lấy lý do vợ tàn tật như cái cớ để đưa vợ và con về nhà bố mẹ đẻ.

“Tổ chức của chúng tôi giúp đỡ phụ nữ để họ độc lập về mặt tài chính. Chúng tôi khuyên họ rằng, hôn nhân không phải là mục tiêu cuối cùng. Giáo dục và sự độc lập tài chính quan trọng hơn", bà Das nói.

Những người trẻ khuyết tật ở các thành phố Ấn Độ thường cảm thấy khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ. "Mọi người cần phải hiểu rằng, người khuyết tật cũng cần có đối tác để cùng thực hiện ước mơ, khát khao trong cuộc sống" - Ashwin Karthik, 32 tuổi, người khuyết tật hiện làm việc tại Ngân hàng ANZ ở Bangalore chia sẻ.

Narasimhan, người mắc chứng teo cơ bẩm sinh nói rằng, người khuyết tật khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội. Nhà văn Shweta Mantrii nhận định: "Hầu hết mọi người cảm thấy rằng, kết hôn với một người khuyết tật sẽ làm thay đổi nhịp độ cuộc sống của họ”.

Theo Cảnh sát toàn cầu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ