Phân luồng học sinh sớm để hướng nghiệp

GD&TĐ - Hiện nay, ở nhiều trường THCS ngoài việc chú trọng giảng dạy còn ưu tiên tổ chức các hoạt động phân luồng, hướng nghiệp sớm cho học sinh.

Một tiết học của học sinh huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Ảnh: NT
Một tiết học của học sinh huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Ảnh: NT

Nhờ đó, khi học sinh xác định được năng lực, sở trường của mình, các em sẽ có những lựa chọn phù hợp để phát triển thế mạnh, giảm áp lực giai đoạn cuối cấp.

Hiểu rõ năng lực

Có con năm nay đang học lớp 9, chị Nguyễn Thị Ngọc (Long Biên, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến công tác phân luồng, hướng nghiệp cho con. Chị Ngọc chia sẻ: “Đối với học sinh lớp 9 ở Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 được nhận định khó hơn thi đại học, do đó tôi không muốn con phải áp lực, chạy theo cuộc cạnh tranh giành suất vào lớp 10 công lập.

Vì vậy, ngay khi năm học lớp 8 của con kết thúc, tôi chủ động trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm về năng lực học tập của con và cùng con nghiên cứu các phương án có thể lựa chọn ngoài thi vào trường THPT công lập, về phương án học trường nghề”.

Tương tự như chị Ngọc, chị Trần Thị Thảo (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã để tâm nghiên cứu vấn đề phân luồng hướng nghiệp sớm cho con. Chị Thảo cho hay: “Con tôi có năng lực vừa phải nên khả năng tranh suất vào lớp 10 công lập sẽ rất khó. Do vậy, tôi đang cùng con tham khảo các trường dân lập và trung tâm GDNN - GDTX. Tôi muốn chuẩn bị tâm thế cho con, giúp con hiểu rằng khi học ở môi trường phù hợp, con sẽ phát triển được năng lực cá nhân, có thể tìm thấy niềm vui và động lực học tập và từ đó tự xây dựng kế hoạch học tập chủ động, cụ thể cho bản thân”.

Nhấn mạnh về vai trò của phân luồng học sinh sớm, thầy Lý Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Lễ (Văn Quan, Lạng Sơn) chia sẻ: “Việc định hướng, phân luồng sớm cho học sinh ở bậc THCS sẽ giúp các em có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân; được trải nghiệm trong môi trường học tập đúng với năng lực và trang bị kiến thức, kỹ năng cần có để theo đuổi ước mơ mà không bị áp lực quá vì thi cử”.

Theo phân tích của thầy Quang, phân luồng sớm còn có chức năng giảm áp lực cho học sinh trong giai đoạn cuối cấp. Đặc biệt, thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sớm sẽ hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Một số môn học được tích hợp trong hoạt động giáo dục cũng giúp công tác phân luồng có hiệu quả tốt hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Để không bị động

Nhiều năm qua, công tác phân luồng sớm được ngành Giáo dục huyện Tuần Giáo (Điện Biên) triển khai quyết liệt. Nhờ vậy, phụ huynh, học sinh hiểu được giá trị, lợi ích của việc làm này. Theo đó, số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề hay các trung tâm GDNN - GDTX tăng lên.

Theo ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, phân luồng học sinh sớm sẽ tiết kiệm được thời gian, nguồn kinh phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Học trò căn cứ năng lực của bản thân để có hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, xã hội sau này. Phân luồng đã tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập.

Ông Sơn cho biết: “Ở Tuần Giáo, từ năm học 2021 - 2022 triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục đặc biệt chú trọng công tác phân luồng sớm cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương lớp 6 và lớp 7. Bằng các hoạt động đó, thầy cô nắm bắt được năng lực, sở trường của từng học sinh, giúp các em định hướng được ngành nghề mình có khả năng theo đuổi sau khi học hết THPT, đặc biệt là giúp định hướng phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS”.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” (Đề án 522), huyện Tuần Giáo cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, phụ huynh, học sinh quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trong các trường học.

“Trên cơ sở thực hiện Đề án 522 huyện Tuần Giáo thường xuyên rà soát quy mô trường, lớp; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, bổ sung thiết bị dạy học. Học sinh tham gia phân luồng THCS được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi, được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đúng theo quy định nên số lượng học sinh tham gia phân luồng tăng nhanh.

Hiện 100% các trường TH&THCS, THCS trên địa bàn huyện có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Họ đã chủ động, sẵn sàng tham gia công tác phân luồng học sinh sau THCS”, ông Sơn nói.

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, ông Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn đang gặp phải như tâm lý chưa đồng thuận của một số phụ huynh, họ muốn con mình nhất định phải tốt nghiệp THPT. Thực tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường còn thiếu, các trường chưa có đội ngũ chuyên trách công tác hướng nghiệp. Hoạt động hướng nghiệp, tư vấn học đường nhiều năm qua ở một số trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp.

“Đặc biệt, chính sách lao động, việc làm và chính sách lương hạn chế đối với người tốt nghiệp trình độ sơ và trung cấp dẫn đến không thực sự thu hút học sinh vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”, ông Sơn lý giải.

Học sinh THCS ở địa phương tôi đa phần chưa có định hướng rõ ràng về ngành học, nghề nghiệp. Bên cạnh đó, phụ huynh phần lớn là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, chưa được tiếp cận với công nghệ thông tin nên lúng túng trong việc tư vấn, định hướng cho con em. Nhiều nhà trường còn đang phải đối mặt với bài toán khó về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… dẫn đến việc phân luồng hướng nghiệp sớm cho học sinh bị hạn chế”, ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.