Đào tạo nhân lực vùng dân tộc
Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang (huyện Tri Tôn, An Giang) được thành lập năm 2009, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề huyện Tri Tôn và chính thức chiêu sinh khóa đầu tiên tháng 3/2011. Đây là trường trung cấp nghề dân tộc nội trú đầu tiên của ĐBSCL. Nhiệm vụ của trường là đào tạo nghề cho đồng bào DTTS Khmer trong tỉnh An Giang, đặc biệt là đồng bào DTTS Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Trường hiện có 3 khoa: Công nghệ thông tin, Cơ điện - Nông nghiệp, Giáo dục thường xuyên. Trường thực hiện 2 chương trình đào tạo song song là trung cấp nghề và giáo dục thường xuyên. Đối với công tác dạy nghề, trường đào tạo 15 nghề trình độ trung cấp, 2 nghề trình độ sơ cấp, 20 nghề cho lao động nông thôn.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực, trường chủ động xây dựng các ngành nghề phù hợp với tình hình địa phương, thị trường lao động và nhu cầu xã hội. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 90%. Học sinh sau khi ra trường có việc làm đạt tỷ lệ trên 85%, mức lương từ 4,5 - 10 triệu đồng/tháng; số còn lại tự tạo việc làm cho bản thân với nguồn thu nhập ổn định.
Theo lãnh đạo nhà trường, giai đoạn 2021 - 2026, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang thực hiện chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, vững về tay nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Nhà trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt 2 nghề trọng điểm là công nghệ ôtô và cơ điện nông thôn. Với 2 ngành nghề được phê duyệt, nhà trường sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình dạy học...
Tại tỉnh Kiên Giang, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Kiên Giang góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Trường có 12 phòng, khoa, đào tạo 36 lớp trình độ trung cấp với tổng số hơn 1.000 học sinh. Trường đào tạo 17 nghề ở các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, điện, ô tô, nông nghiệp, tin học; đào tạo sơ cấp với 21 nghề và dưới 3 tháng là 42 nghề.
Theo thống kê của nhà trường, từ khi thành lập đến nay, trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo hơn 32.865 lượt học viên. Trong số này 4.483 học viên trung cấp, 6.294 học viên sơ cấp và 22.088 học viên đào tạo dưới 3 tháng.
Qua khảo sát, trường có trên 87% học sinh tốt nghiệp trung cấp có việc làm và thu nhập ổn định, bình quân từ 6 - 12 triệu đồng/tháng. Đối với trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, qua khảo sát, thống kê đa số có việc làm và thu nhập cải thiện đời sống trên 86%...
Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh. |
Quan tâm hướng nghiệp, phân luồng
Để làm tốt công tác đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực không thể thiếu vai trò công tác hướng nghiệp. Thời gian qua, các trường phổ thông, đặc biệt là trường THCS, THPT đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh, trong đó có học sinh dân tộc Khmer.
Theo thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường THCS Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), hiện nay, học sinh dân tộc mong muốn được tư vấn, hướng nghiệp ngành nghề phù hợp với địa phương, vùng và xu thế thị trường lao động đang cần.
Cũng có nhiều học sinh dân tộc vùng khó khăn chỉ muốn hoàn thành cấp THCS, THPT là đi tìm việc làm để giúp gia đình, thay vì học cao hơn để có cơ hội cao hơn. Do đó, nhà trường luôn đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách như miễn giảm học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên, chính sách hỗ trợ đào tạo... để khuyến khích các em học tập.
Đối với công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, trường thường xuyên tổ chức những mô hình hướng nghiệp trong các hoạt động trải nghiệm để học sinh nhớ trường, mến lớp... qua đó giúp các em gắn bó với trường lớp và cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng để thoát nghèo. Bên cạnh đó, tuyên truyền các chính sách thụ hưởng đối với sinh viên, học sinh dân tộc.
Thầy Thạch Song, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng) cho biết thêm: Nhà trường luôn tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cán bộ, học sinh, cha mẹ học sinh và người dân về ý nghĩa của tự lập thân lập nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT.
Nhà trường chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên làm công tác hướng nghiệp thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, các hoạt động dạy học tự chọn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; Phối hợp, triển khai các quy định, chính sách cho người học (chính sách cho vay sinh viên, ưu tiên trong tuyển sinh, học bổng của các trường CĐ, ĐH nếu có, thông tin việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài) để thu hút học sinh tham gia học tập.
Xây dựng đội ngũ giáo viên làm nòng cốt trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp tại trường. Hằng năm, nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, Cuộc thi “Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp” cho học sinh; Tổ chức cho các em tham quan học tập thực tế tại các cơ sở tại địa phương, các trang trại, làng nghề, hay các trường đại học cao đẳng trong khu vực…