Học sinh sau THCS đi học nghề còn thấp
Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn Hà Tĩnh được định hướng vào 4 con đường chính là: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học.
Dù có nhiều cố gắng nhưng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng thừa nhận công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học ngày càng trở nên vất vả, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi các em ở tuổi vị thành niên.
Theo hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Can Lộc, yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12).
Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh dẫn đến thực trạng thiếu hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn, xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng.
Thêm vào đó, đội ngũ phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kĩ thuật. Do đó, họ không được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp.
“Nhà trường thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho học sinh”, hiệu trưởng trường THCS tại huyện Kỳ Anh thông tin.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) cũng đánh giá: Đa số học sinh trung học cơ sở đều “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp. Tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay chỉ đề cập đến một số nghề phổ biến trong rất nhiều nghề. Đặc biệt, công tác tư vấn hướng nghiệp chủ yếu hướng đến đối tượng là học sinh THPT. Do đó, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thiếu thông tin về tư vấn nghề nghiệp theo hướng tiếp cận với thực tiễn.
Cách làm hay
Cùng với việc tập trung ôn luyện kiến thức, các trường học tại Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh công tác phân luồng bằng nhiều cách. Trong đó, việc chia lớp ôn tập kiến thức cho học sinh theo năng lực học tập được nhiều trường thực hiện.
Tại Trường THCS Đại Thành (huyện Cẩm Xuyên) việc ôn luyện buổi chiều cũng được phân lớp theo năng lực phù hợp với từng đối tượng. “Nhà trường định hướng, hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 8, nhất là em có học lực trung bình – yếu. Năm nay, khoảng 25 - 28% học sinh có nguyện vọng vào các trường nghề, trường đã phối hợp các trường dạy nghề tư vấn cho học sinh” – thầy Hà Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành cho hay.
Thầy Mai Anh Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Long Sơn (huyện Thạch Hà) cho biết: Trường đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Hà, Trường Cao đẳng Công nghệ và Trường Cao đẳng Việt - Đức tổ chức nhiều buổi tư vấn cho học sinh. Từ thực tế nhu cầu lao động và học lực của các em, phụ huynh nơi đây cũng đã thay đổi tư duy. Toàn trường có 45/152 học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng học nghề.
“Hiểu rõ năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình, 45 em có nguyện vọng được học nghề thay vì thi vào trường THPT công lập. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong học tập, giảm áp lực thi cử, trường sắp xếp các em vào lớp 9A5. Việc dạy học chú trọng kiến thức cơ bản” – thầy Anh Đức thông tin.
Em Nguyễn Thị Phương Thảo, lớp 9A5 ở thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn tâm sự: Cả lớp có chung nguyện vọng học nghề nên quá trình học tập của chúng em nhẹ nhàng hơn. Kiến thức thầy cô giảng cũng phù hợp với năng lực nên chúng em không cảm thấy áp lực như khi học với các bạn lớp khác.
Một cách làm khác tại Trường THCS Thạch Kim (huyện Lộc Hà), theo thầy Trần Thanh Hải - quyền Hiệu trưởng: Trường tổ chức họp phụ huynh lớp 9, báo cáo tình hình học tập, kết quả thi thử của học sinh. Tại cuộc họp, trường mời giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện về nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp với phụ huynh, học sinh. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các bậc cha mẹ định hướng bước đường tương lai phù hợp với con mình.
Cùng với các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, thời gian qua, các trường nghề trên địa bàn Hà Tĩnh cũng tổ chức đưa học sinh lớp 9 đến tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường nghề để các em có thêm hiểu biết về môi trường mà mình đang hướng tới.