Phân luồng học sinh sau THCS

GD&TĐ - Công tác phân luồng học sinh sau THCS đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước góp phần điều chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tuy nhiên, để công tác phân luồng học sinh sau THCS phát huy hết hiệu quả cần có những cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện hiệu quả hơn.

Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan trong việc PLHS sau THCS. Ảnh: Thanh Long
Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan trong việc PLHS sau THCS. Ảnh: Thanh Long

Phân luồng nhìn từ thực tế

Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Đến nay sự mất cân đối về cơ cấu trình độ đào tạo nguồn nhân lực vẫn đang diễn ra, nguyên nhân chủ yếu là do phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS chưa phù hợp.

Sự phân luồng bất hợp lý trong cơ cấu tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo (ĐH, CĐ với TCCN/TC và DN) đã dẫn đến tình trạng mất cân đối về cơ cấu đào tạo và dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu trình độ đào tạo nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, không đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Một điều đáng lưu ý là số người thất nghiệp chưa từng có việc làm chiếm 54% tổng số người thất nghiệp điều đó đã phản ánh sự lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Sự chênh lệch giữa các luồng học sinh sau THCS vào THPT so với luồng vào giáo dục nghề nghiệp tạo ra “sức ép tâm lý” rất lớn đối với học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Điều này gây ra tình trạng “quá tải”, “chạy đua” vào các trường CĐ, ĐH, đồng thời gây ra tình trạng “dạy thêm, học thêm” tràn lan trong nhiều năm qua, gây tốn kém tiền của Nhà nước và của nhân dân.

Đa số các ngành đào tạo trong trường TC và DN chỉ cần tuyển học sinh sau THCS, nhưng vì do học sinh sau THPT thừa nhiều, do đó các trường TC và DN chỉ tuyển học sinh sau THPT. Như vậy, số học sinh tốt nghiệp THCS không được vào THPT sẽ không có cơ hội học tiếp các trường TC và DN.

Nguyên nhân được PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan chỉ ra bởi: Nhận thức của một bộ phận người dân, nhà trường và xã hội nói chung về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với lập thân, lập nghiệp của người lao động chưa đúng, chưa đầy đủ. Đại bộ phận cha mẹ HS vẫn cho rằng việc thi vào các trường ĐH của con em như một hướng đầu tư vào tương lai của gia đình mình.

Hầu hết thanh niên nông thôn đều không muốn làm nghề nông như cha mẹ mình và họ muốn thoát li nông thôn bằng con đường đại học (bất kể đại học nào) và cha mẹ họ cũng gắng sức để con em mình li nông, li hương, để khỏi cảnh vất vả như mình. Hầu hết các gia đình thuộc các tầng lớp xã hội khác cũng chỉ mong con mình có bằng đại học. Cả xã hội lao vào cuộc đua cho con em học đại học - đó là hiện tượng phổ biến ở nước ta.

Hệ thống văn bản pháp quy khá đầy đủ, nhưng thực tế triển khai đã bộc lộ những bất cập. Còn thiếu các văn bản pháp quy dưới luật, quy định và hướng dẫn cụ thể để triển khai trong thực tiễn. Thiếu chính sách khuyến khích học sinh THCS học nghề và khuyến khích các trường nghề tuyển học sinh THCS.

Chế độ lương, đãi ngộ đối với những người tốt nghiệp trung cấp và học nghề còn rất nhiều bấp bênh; thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động qua đào tạo nghề nghiệp còn thấp và chưa có sự chênh lệch nhiều so với những người lao động phổ thông; tương lai nghề nghiệp không rõ ràng khiến bản thân học sinh, cũng như gia đình không mặn mà với việc rẽ sang học nghề sau THCS…

Mục tiêu đào tạo ở giáo dục phổ thông chưa gắn kết và mục tiêu tạo nguồn nhân lực tương lai đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Do đó, chưa góp phần chuyển dịch đúng đắn cơ cấu lao động. Cơ quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chưa cung cấp cho ngành Giáo dục (một cách tương đối chính xác) về yêu cầu nhân lực của các ngành hoạt động trong nền kinh tế quốc dân…Vì vậy công tác đào tạo không gắn với thị trường lao động. Kết quả tất yếu là đào tạo nhiều, nhưng những lĩnh vực thiếu nhân lực vẫn luôn thiếu và những lĩnh vực thừa nhân lực vẫn cứ thừa.

Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa hiệu quả. Mặc dù đã có đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức GDHN, nhưng hiện nay, phần lớn giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp là giáo viên kiêm nhiệm… Sự thiếu hiểu biết sẽ làm cho HS chọn nghề thiếu cơ sở khoa học. Chương trình giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông được thiết kế thiếu kết cấu liền mạch để phát triển con đường học nghề cho các em, tạo điều kiện liên thông ở cấp sau THPT…

Hệ thống giáo dục còn thiếu liên thông. Khả năng liên thông của chương trình đào tạo trong các trường TC, trường dạy nghề lên trình độ cao đẳng và đại học còn hạn chế. Định hướng học tập suốt đời chưa thực sự đi vào nhận thức, tư tưởng của người dân. Bên cạnh đó, thiếu hệ thống đánh giá, công nhận kết quả của việc học tập suốt đời của người lao động, điều này làm cho việc học tập suốt đời chưa thực sự trở thành xu thế tất yếu trong xã hội…

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện phân luồng học sinh sau THCS dẫn đến sự mất cân đối giữa cầu và cung về ngành nghề đào tạo, về số lượng lao động của từng cơ cấu ngành sau khi tốt nghiệp ra trường và dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu lao động, gây lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí chi phí đào tạo.

Hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn, thiếu thông tin, chưa kịp thời; các cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề chưa thực sự quan tâm đến nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THCS.

Cần nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS sau THCS. Ảnh: Thanh Long
Cần nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS sau THCS. Ảnh: Thanh Long 

Vượt qua rào cản bằng cách nào?

PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan đã chỉ ra tám giải pháp để công tác PLHS sau THCS đạt hiệu quả cao nhất.

Trước hết cần nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS sau THCS. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, PLHS cho các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân...

Cùng đó, nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông: Đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi... đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Đảm bảo các điều kiện phục vụ giáo dục hướng nghiệp và PLHS sau THCS qua phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; Thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nhân... tham gia làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, giáo dục STEM tại một số địa phương đại diện cho các vùng kinh tế;

Tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng PLHS phổ thông; Hình thành bộ phận kiêm nhiệm quản lý, theo dõi về giáo dục hướng nghiệp, định hướng PLHS tại các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông; Thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng PLHS phổ thông trên toàn quốc và các địa phương.

Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ LĐ-TB&XH trong chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện việc giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề, thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề; mô hình “Đào tạo 9+”.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp, PLHS phổ thông, về nhu cầu lao động, thị trường lao động;

Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS phổ thông.

Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng PLHS phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.