Đề xuất giải pháp phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

GD&TĐ - Ngày 9/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì phiên họp hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài "Giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở".

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì phiên họp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kí quyết định số 358/QĐ-BGDĐT ngày 19/1/2021 thành lập hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia chương trình khoa học giáo dục với đề tài "Giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở", mã số KHGD/16-20.ĐT.002 do PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài nhằm xác lập luận cứ khoa học về phân luồng học sinh sau THCS, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo nhóm nghiên cứu, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam được thực hiện từ rất lâu, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn là điểm nghẽn, thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhiều giải pháp thúc đẩy phân luồng HS sau THCS đã được thực hiện để tạo thu hút HS sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp, nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Từ yêu cầu của thực tiễn, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của KHCN, CMCN 4.0 và từ những bài học kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đã đặt bài toán phân luồng HS sau THCS trong bối cảnh học tập suốt đời theo khung tiếp cận STEP (các kỹ năng hướng tới việc làm và năng suất) nhằm phân luồng hiệu quả học sinh sau THCS.

Đề tài cũng đề ra một số đề xuất, cụ thể như: Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong trường phổ thông; khung năng lực giáo dục hướng nghiệp của giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở trường THCS; các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp...

Đó là cách tiếp cận tổng thể theo quan điểm học tập suốt đời, có sự chuẩn bị tốt về các kĩ năng cần thiết trước phân luồng  và kĩ năng sau phân luồng, nhằm tạo cơ hội, động lực để người lao động  nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi ngành nghề theo yêu cầu công việc hoặc điều kiện cụ thể của cá nhân. Đây chính là điểm mới của đề tài so với các nghiên cứu trước đây.

Việc đề xuất “Sơ đồ luồng học sinh sau THCS" là đóng góp thiết thực để triển khai Đề án 522 của Chính phủ, theo đó các địa phương có thể tham khảo, nghiên cứu để xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Trong quá trình thực hiện, Đề tài đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để chuyển giao kịp thời các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn trong công tác quản lý, tham mưu, xây dựng chính sách và nghiên cưu về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. Kết quả nghiên cứu về phân luồng học sinh góp một phần quan trọng để nhóm nghiên cứu tham gia vào các hoạt động của Bộ.

Qua 36 tháng triển khai, đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu tại đăng kí. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã công bố qua 2 bài báo trên các tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus và 10 bài báo khoa học trong nước. Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên cán bộ nghiên cứu liên ngành.

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày Đề tài trước Hội đồng
Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày Đề tài trước Hội đồng

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chính sách về phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Một số sản phẩm của đề tài cũng đã được chuyển giao kịp thời cho các Vụ, Cục, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành liên quan, có xác nhận bằng văn bản về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 15/10/2020 và xếp loại đạt, được Hội đồng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét đánh giá nghiệm thu ở cấp nhà nước. Căn cứ vào các quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN, căn cứ hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu, Đề tài đủ điều kiện để đưa ra Hội đồng xem xét đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước.

Ý kiến phản biện từ các nhà khoa học độc lập đều đánh giá tính thực tiễn của đề tài. Đây là đề tài đã góp phần cho sự ra đời của quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Sau khi được nghiệm thu, ngoài những giá trị thực tiễn liên quan đến phân luồng, Đề tài sẽ là cơ sở giúp các cơ quan quản lí nhà nước sửa đổi, bổ sung Đề án 522 cho phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài- đánh giá tính cấp thiết của đề tài với xuất phát điểm từ đơn đặt hàng của Vụ Giáo dục Trung học thấy cần thiết phải phân luồng học sinh sau THCS. Đề tài được hoàn thành sẽ góp phần gợi mở các hướng nghiên cứu cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn các vấn đề về phân luồng học sinh sau THCS ở Việt Nam trong bối cảnh học tập suốt đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...