Vậy giải pháp nào để TPHCM thực hiện tốt hơn nữa công tác phân luồng, cũng như đạt được mục tiêu 30% học sinh sau THCS sẽ theo học nghề vào năm 2020?
Hướng nghiệp, phân luồng đã đi vào thực chất
Đó là nhìn nhận của nhiều cán bộ quản lý khi lần đầu tiên, năm học 2016 - 2017 (nhờ có sự phân luồng tốt) đã có khoảng 10.000 em không thi tuyển vào lớp 10 lựa chọn thẳng vào TC nghề, TCCN. Con số ấn tượng trên nếu so với năm học 2016 - 2017 (là gần 6.000) thì rõ ràng đã có một bước tiến rất lớn. Bên cạnh đó, hiện có một số TT GDTX như Tân Phú, Tân Bình, Q.6 đã phối hợp rất tốt với các trường TCCN để vừa dạy chữ, vừa dạy nghề cho các em và đã thật sự thu hút được sự quan tâm của phụ huynh.
Những thành quả trên, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đến từ việc Sở GD&ĐT TPHCM đã có những chiến lược phân luồng bài bản, sự chỉ đạo sát sao. Đặc biệt là các trường đã chú trọng và khơi dậy mạnh mẽ hơn vai trò và trách nhiệm của giáo viên phụ trách công tác phân luồng, giáo viên chủ nhiệm.
Thực tế, ngoài hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp phủ khắp quận huyện (mới chuyển công tác quản lý về Sở LĐ-TB&XH) thì công tác phân luồng học sinh được ngành Giáo dục TPHCM đặc biệt chú ý trong những năm qua.
Bên cạnh giải pháp gắn trường học với doanh nghiệp, giúp học sinh sớm tiếp cận với những hướng đi phù hợp cho mình, khi lực học không cao tại một số quận huyện (Q.6, Q.8, Tân Bình) thì nhiều quận huyện của TPHCM đã thành lập ban chỉ đạo phân luồng đến tận phường, tổ khu phố… để sớm định hướng và tư vấn cho học sinh THCS, THPT không theo nổi chương trình phổ thông chuyển sang học nghề. Chính các giải pháp đồng bộ và song hành trên đã giúp công tác phân luồng học sinh của TPHCM đạt nhiều khởi sắc.
Ông Mai Ngọc Vinh - Hiệu trưởng Trường TC Quốc tế Sài Gòn nhìn nhận sự thành công của công tác phân luồng nằm chủ yếu ở vai trò của người hiệu trưởng và giáo viên làm công tác hướng nghiệp. Bởi nếu chính những người thầy, người cô đang dạy các em không định hướng, không cho các em thấy lợi ích của hướng rẽ theo năng lực công tác phân luồng sẽ rất khó thành công.
“Các trường TCCN, dạy nghề có thể đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ, song song đó là việc đảm bảo được đầu ra (có việc làm) sau khi học xong cho học sinh nhưng sẽ là rất khó nếu tư tưởng của các em vẫn là không thích học nghề. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, ngoài các giải pháp đồng bộ giữa các trường THCS và trường TCCN, trường nghề thì công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường cần làm “đậm đặc” và sâu hơn” - ông Vinh đánh giá.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & quan hệ Doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đánh giá: Hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS đã có chuyển biến rất nhiều từ trong hai năm trở lại đây. Các trường không chỉ đa dạng hình thức tư vấn, hướng nghiệp, mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cho học sinh tại các xưởng nghề, làng nghề hoặc các ngày hội triển lãm, tư vấn nghề nghiệp… Tuy nhiên, hiệu quả công tác phân luồng chưa thật đồng đều và chưa chuyển dịch đậm nét.
Đẩy mạnh các mục tiêu và giải pháp chiến lược
Đó là mục tiêu mà Sở GD&ĐT TPHCM sẽ quyết liệt thực hiện trong giai đoạn tới. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, lộ trình từ nay đến năm 2020 tỉ lệ vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%, đến năm 2020 chỉ còn 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, số còn lại sẽ được phân luồng.
Mục tiêu là đến năm 2020 số học sinh THCS có 70% học sinh vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Sau THPT có 40% vào CĐ, ĐH và 60% (khoảng 33.000 HS/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Đến nay, con số này đang ở mốc 74%, do đó sắp tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp phân luồng học sinh. Năm nay số học sinh cần phân luồng sau lớp 9 là hơn 20.000 học sinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đề án “Phân luồng học sinh sau trung học” mà Sở GD&ĐT TPHCM trình UBND TP (chưa được thông qua) tập trung tháo gỡ và đưa ra 7 mục tiêu, giải pháp.
Trong đó, giải pháp chính là hướng đến việc tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh với các nội dung sát thực tế, nâng cao năng lực đào tạo các trường chuyên nghiệp TP (như mở rộng quy mô, có cơ chế gắn chặt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc đào tạo lao động).
Mục tiêu đặt ra là rất rõ ràng, nhưng để đề án thành công, theo đại diện Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TPHCM thì ngoài sự kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, vai trò của hiệu trưởng các trường THCS sẽ là rất quan trọng trong lộ trình này. Bởi theo vị này, sẽ không có ai rành học sinh bằng giáo viên, hiệu trưởng khi họ là người nắm rõ sẽ có bao nhiêu % học sinh trường mình học lên THPT, CĐ, ĐH và có bao nhiêu % học sinh thích hợp với GDCN hơn.
Trước những thách thức mà TPHCM đang phải đối mặt trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa TPHCM cho rằng: Ngoài các giải pháp chiến lược mà TPHCM đã và đang triển khai một cách đúng đắn thì các trường THCS, THPT và bản thân các trường nghề, TCCN cũng phải “chung vai” với ngành.