Chọn nghề - lời khuyên bổ ích của giáo viên

GD&TĐ - Hướng nghiệp là khâu then chốt giúp học sinh (HS) có cái nhìn đúng về nghề nghiệp. Nói về vấn đề này, cô giáo Lê Thị Bé Nhung - giáo viên phụ trách hướng nghiệp, Trường THPT Phan Ngọc Tòng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết: Có thể tạm chia HS ra làm 3 nhóm đối tượng:

Chọn nghề - lời khuyên bổ ích của giáo viên

Học lực khá, giỏi + gia đình có điều kiện

Với nhóm đối tượng này các em hãy chọn một trường đại học để thỏa sức đam mê. Các em có học lực kém hơn vẫn có thể học đại học. Bởi vì vẫn có nhiều trường đại học top dưới dành chỗ cho các em. Tuy nhiên, học phí thì chắc chắn không ít. Nhưng không vấn đề gì khi gia đình mình đã có điều kiện. Nhiệm vụ của em chỉ là tự do sáng tạo trên con đường mình đã chọn.

Nhưng các em sẽ chọn ngành gì đây?

Các em nên chọn ngành phù hợp năng lực và sở thích

Nếu các em không thích, chắc chắn việc học sẽ rất nhàm chán. Khi ra trường, công việc các em làm cũng sẽ không có hào hứng. Và... khi không hào hứng với công việc sẽ không chú tâm làm việc. Không chú tâm làm việc sẽ dẫn đến hiệu quả công việc không được tốt. Hiệu quả công việc không tốt sẽ dẫn đến năng suất lao động không cao. Năng suất lao động không cao lại ảnh hưởng đến thu nhập. Thu nhập thấp sẽ dẫn đến cuộc sống cũng vất vả.

Còn nếu chọn trường top trên trong khi năng lực của các em có hạn thì chắc chắn các em sẽ rất vất vả và mệt mỏi trong học tập. Khi học tập không tốt các em dễ dẫn đến chán nản và có thể bỏ học giữa chừng vì không theo được chương trình học. Việc kéo dài chuyện học hành, thi cử sẽ rất mất thời gian và không đem lại hiệu quả.

Ngược lại cũng có một số em, khi học ở phổ thông không giỏi, nhưng khi học đại học đúng chuyên ngành và sở thích thì các em không thua bất kì một ai.

Vậy, học ngành nào ít nguy cơ thất nghiệp?

Thật ra mà nói học ngành nào cũng có nguy cơ thất nghiệp. Không ngoại trừ trường top trên hay top dưới. Lực lượng lao động có năng lực chuyên môn của Việt Nam ngày càng trẻ hóa và dồi dào. Sự cạnh tranh của sinh viên mới ra trường không khác cuộc đấu tranh sinh tồn và không kém phần khốc liệt. Cho nên, khi các em lựa chọn việc học đại học thì các em phải xác định chú tâm học tập cho tốt ngành học mình đã chọn. Bên cạnh đó, bản thân cần rèn luyện những kỹ năng mềm như: giao tiếp, kỹ năng sống, quản lý, quản lý thời gian… Đừng ngại khi dành thời gian vào những hoạt động xã hội hay cộng đồng. Những hoạt động trải nghiệm này sẽ đem đến cho các em rất nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích. Và một khi mình đã có năng lực, có kỹ năng tốt, các em hoàn toàn có thể tự tin tìm kiếm một công việc phù hợp với điều kiện của mình.

Có nên học một ngành mà cha mẹ mình thích?

Không nhé, không bao giờ nhé! Bởi vì, trong trường hợp các em chưa xác định được ngành gì để thi mà xuôi theo ý của cha mẹ mình thì đó là một canh bạc. Còn nếu bạn thích một đằng mà phải nghe theo cha mẹ học một ngành khác thì hỏng bét.

Đã có trường hợp học theo ý của cha mẹ, học hoài vẫn không ra trường. Các em không thích, năng lực của các em không phù hợp ngành học, làm sao học tốt cho được. Hoặc cũng có trường hợp tốt nghiệp đại học rồi mà cứ treo bằng đại học ở nhà chơi game, la cà cùng chúng bạn. Vì sao ư? Đi phỏng vấn xin việc nhiều lần nhưng vẫn không được tuyển dụng vì người phỏng vấn không thấy được năng lực, đam mê công việc của mình. Thậm chí, đi làm rồi vẫn bị đuổi việc vì không đủ năng lực cho công việc.

Có nên đi du học nước ngoài? Du học đang trở thành xu hướng mới của các em học thuộc gia đình trung lưu hoặc thượng lưu. Nhật Bản, Singapo, Mỹ, … là những lựa chọn hàng đầu của các du học sinh. Với chi phí học tập cao gấp 2 đến 3 lần cùng với chất lượng đào tạo vượt trội, các em sẽ có cơ hội phát triển toàn diện năng lực của mình. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận kiến thức quốc tế, các em nhất thiết phải có năng lực ngoại ngữ, khả năng tự lập và điều kiện sức khỏe tốt. Nếu các em không hiểu được những gì các em học thì các em khó mà giỏi được. Đồng thời, ở một nơi không có gia đình, điều kiện sống, điều kiện khí hậu thay đổi chóng vánh chắc gì các em đã thích nghi được.

Học lực khá giỏi + gia đình có điều kiện vừa phải

Với đối tượng này, các em có thể học đại học, cao đẳng hay trường nghề tùy thích và tự do"bon chen" tìm việc làm cho mình. Nếu các em chịu khó thì các em vẫn có thể vừa học vừa làm. Đã có nhiều em vẫn làm thêm như thế để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và tích lũy nhiều kiến thức trải nghiệm khi còn là sinh viên... Một khi các em có chí hướng và nỗ lực hết mình trong học tập cũng như trong cuộc sống các em vẫn có cơ hội tìm kiếm được một việc làm tốt.

Học lực trung bình + gia đình kinh tế vừa phải

Một thực tế, các em học giỏi, chưa chắc sau này kiếm tiền giỏi. Hoặc các em kiếm tiền giỏi chưa chắc trước kia đã học tốt. Nên đừng bao giờ các em cảm thấy tự ti khi mình học không giỏi, khi mình học trường nghề hay đi làm công nhân.

Với các em thuộc đối tượng 3, tôi khuyên các em đi học nghề, đi làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động. Đã có nhiều em tâm sự với tôi rằng: Làm công nhân hay đi xuất khẩu lao động "ngon hơn". Phải nói thật là cũng không có cái nào ngon hết. Cái nghề nào cũng là lao động, cũng vất vả mới kiếm được tiền.

Tôi xin đưa ra một bài toán để các em cùng giải:

Học đại học 4 năm: Trung bình học phí: 20 triệu/ 1 năm; tiền ăn, ở, học thêm tiếng Anh, mua linh tinh: 5 triệu/ 1 tháng; mua sắm xe, máy tính, điện thoại: 50 triệu. Tổng cộng: 370 triệu đồng (Chưa tính đến phí xin việc làm).

Đi làm công nhân 4 năm: Lương cơ bản 5 triệu / 1 tháng/ ngày (8 giờ làm việc). Trong trường hợp tăng các em sẽ nhận nhiều lương hơn. Trừ tiền ăn tiêu (tiết kiệm mỗi tháng 3 triệu) thì mỗi tháng dư 2 triệu. Vậy 4 năm, các em dư 80 – 100 triệu.

Xuất khẩu lao động Nhật Bản 3 năm: Chi phí đi học 1 năm: khoản 150 triệu. Lương cơ bản 30 triệu/ tháng. Tùy ngành nghề và tăng ca, lương các bạn có thể cao hoặc thấp hơn. Sau trừ bảo hiểm và thuế, sinh hoạt phí, lương thực tế còn: từ 15-20 triệu/ 1 tháng. Sau 3 năm, nếu các em không về nước và ăn tiêu tiết kiệm, các em có thể dư được: 600-700 triệu. Sau khi về nước, các em có thể nhận lại khoản 100 triệu tiền bảo hiểm mà mình đã đóng tích lũy trogn thời gian làm việc. Tuy nhiên, để có số tiền này, bạn phải đánh đổi 3 năm xa quê hương, xa gia đình và làm việc không ngừng nghỉ...

Chúng ta thử nhìn lại bài toán. Sau 22 tuổi, các em được gì?

Nếu học đại học, thì lúc này các em vẫn là một con nợ to đùng của gia đình. Khoảng thời gian tiếp sau đó bạn phải tự thân vận động để cuộc đời bước qua trang mới. Nhiều thử thách vẫn còn đang chờ đợi các em ở phía trước.

Nếu đi làm công nhân, cuộc sống cũng tạm ổn. Chỉ cần thêm thời gian và chăm chỉ làm việc, tin chắc rằng cuộc sống các em cũng sẽ không thua kém ai.

Nếu xuất khẩu lao động ở Nhật trở về, chắc chắn gia đình các em có một cuộc sống gia đình tốt hơn. Sau 3 năm, các em có thể tiếp tục sang Nhật làm việc, làm việc tại các công ty Nhật ở Việt Nam hoặc sử dụng vốn đã tích lũy để kinh doanh một lĩnh vực nào đó phù hợp với năng lực và sở thích.

Cơ bản thì mỗi người sẽ có một sự lựa chọn cho riêng mình. Không gì là sai hoàn toàn cũng không gì là đúng hoàn toàn. Quan trọng là cố gắng đi những bước chân thật vững vàng trên con đường mình đã chọn.

Tôi đã nhận được nhiều nỗi niềm chia sẻ của các em HS lớp 12. Các em nói, rất hoang mang trước ngưỡng cửa chọn trường hay chọn nghề? Thật sự tôi rất hiểu và muốn nói: Trong cuộc sống có nhiều cái sai, chúng ta có thể sửa. Nhưng cũng có những cái sai đánh đổi cả cuộc đời. Trước ngưỡng cửa chọn ngành, nghề cũng vậy, các em cần cân nhắc kỹ dựa trên năng lực và sở trưởng bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.