Ngày 23/7, Sở GD&ĐT Nghệ An ra văn bản khẩn gửi các xã, phường, đơn vị trực thuộc Sở về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu bão gây ra.
Do ảnh hưởng của bão Wipha, trong các ngày 22, 23/7 trên địa bàn các xã miền núi vùng cao tỉnh Nghệ An có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Qua tổng hợp báo cáo nhanh, một số xã: Mường Xén, Hữu Kiệm, Nhôn Mai, Tương Dương, Tam Quang, Châu Tiến…. xảy ra lũ ống, lũ quét, một số trường học, nhà dân ngập sâu trong nước lũ, nhiều vùng đang bị chia cắt bởi nước lũ dâng nhanh.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT; Chủ tịch UBND xã, phường chỉ đạo các đơn vị trường học đóng trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, đơn vị.
Đồng thời triển khai lực lượng ứng trực 24/24 giờ để ứng phó với mưa, bão theo phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

Để đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường học; ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản, nhất là lưu ý công tác bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025.
Thực hiện cắt, tỉa các cây có nguy cơ đổ, gãy; kiểm tra hệ thống phòng học, phòng chức năng, đường điện… để có các biện pháp phòng ngừa.
Theo dự báo, trong 48 giờ tới, Nghệ An tiếp tục có mưa, có nơi mưa rất to. Để chủ động ứng phó, Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục trực thuộc; Chủ tịch UBND các xã, phường chỉ đạo đơn vị trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện của UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó bão Wipha.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn để chủ động xây dựng phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản tại từng đơn vị, nhất là các điểm xung yếu có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, vùng trũng, thấp, vùng hạ du thủy điện.
Đối với các vùng bị ngập lụt, lũ ống, lũ quét, Hiệu trưởng các trường học cần báo cáo nhanh (trước 9 giờ và 16 giờ hàng ngày) về tình hình trường học, số điểm trường, nhà của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ngập lụt, lũ cuốn trôi về Sở GD&ĐT. Sau khi lũ rút, các đơn vị khẩn trương tu sửa, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Phối hợp với cơ quan y tế trên địa bàn phun thuốc, tẩy trùng phòng chống các loại dịch bệnh sau mưa bão lũ lụt.
Cập nhật báo cáo lúc 9h30 ngày 23/7 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, ảnh hưởng của bão Wipha trên địa bàn khiến 1 người tử vong, 1 người mất tích, 4 người bị thương. Thiệt hại về nhà ở: 417 nhà; nhà bị ngập nước 3.237 nhà. Về giáo dục hiện có 1 điểm trường bị tốc mái, và nhiều trường học bị ngập trong nước.