Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025:

Dấu ấn một chu trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

GD&TĐ - Kết quả thi tốt nghiệp THPT là tín hiệu tích cực về sự thích ứng ban đầu của thầy và trò, các nhà trường trong dạy học phát triển năng lực.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: Vân Anh
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: Vân Anh

Đồng thời là cơ hội để nhìn nhận và rút ra những bài học quan trọng để triển khai tốt hơn Chương trình GDPT 2018.

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT: Phát huy kinh nghiệm, bài học từ Kỳ thi năm 2025

nhin-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-5.jpg
GS.TS Huỳnh Văn Chương.

Năm 2025 - kỳ thi đầu tiên dành cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 với phương án thi mới - diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Đúng thời điểm triển khai chính quyền địa phương 2 cấp; song song tổ chức thi cho các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006 chưa tốt nghiệp hoặc có nhu cầu thi lại để xét tuyển sinh đại học với 2 quy chế thi, 2 bộ đề thi.

Từ trước đến nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn có sức ảnh hưởng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, từng người, từng nhà. Sự quan tâm này càng lớn với tính chất đặc biệt của Kỳ thi năm 2025. Ý thức được điều này, mọi chuẩn bị để tổ chức Kỳ thi được triển khai từ sớm, từ xa, với sự nghiêm cẩn, tinh thần trách nhiệm cao nhất. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi, cấu trúc định dạng đề thi, đề tham khảo… được ban hành sớm hơn mọi năm.

Dù Kỳ thi có nhiều điểm thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo khách quan, minh bạch, an toàn hơn; nhưng điểm chung là cơ quan quản lý, các thầy cô nhận phần vất vả, khó khăn về mình, để giảm áp lực, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại” đã được thực hiện triệt để trong Kỳ thi năm nay.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Hội đồng ra đề thi được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch, ra đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi, Bộ đã huy động hơn 230 giáo viên, đội ngũ chuyên gia của 48/63 tỉnh, thành (cũ), hệ thống thư viện đề thi đã thử nghiệm ở 11 tỉnh, thành phố và tại 51 trường THPT với hơn 13 nghìn học sinh lớp 12 tham gia thử nghiệm. Theo đó, Hội đồng ra đề đã xây dựng đồng thời 2 bộ đề thi: 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2018.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 3 mục đích quan trọng: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT/GDTX; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Để đáp ứng đầy đủ 3 mục đích này, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điều chỉnh. Theo đó, đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tích hợp nhiều câu hỏi mang tính thực tế, nhiều kiến thức liên môn…; bảo đảm sự phân hóa phù hợp để vừa phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu tin cậy về năng lực của thí sinh cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Sau khi có điểm thi, Bộ GD&ĐT đã tiến hành phân tích dữ liệu kết quả thi và công bố phổ điểm từng môn thi; trong đó nêu rõ điểm trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn, độ lệch tuyệt đối trung vị (MAD), điểm dưới trung bình, điểm lớn hơn hoặc bằng 7, điểm nhiều thí sinh đạt được nhất, số lượng thí sinh đạt điểm 10 và điểm 0, số thí sinh đạt điểm thấp hơn hoặc bằng 1, tỷ lệ điểm 10 trên 1.000 thí sinh…

Đồng thời, cung cấp phổ điểm từng môn từ năm 2022 trở lại đây để so sánh; xây dựng biểu đồ điểm thi từng môn các năm từ 2022 trở lại đây; thống kê top 10 tỉnh, thành có điểm trung bình cao nhất và nhiều điểm 10 nhất từng môn thi.

nhin-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-3.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Vân Anh

Vì số lượng thí sinh thi đông, nên nếu chỉ sử dụng riêng phổ điểm có thể chưa đánh giá hết được những chỉ số quan trọng. Do đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tính cả bách phân vị của các môn và điểm hiệu chỉnh theo đúng lý thuyết về khảo thí, đánh giá. Thông tin này giúp đi sâu hơn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho các nhà giáo dục, trường phổ thông, trường đại học. Công việc này còn tiếp tục triển khai tại các sở GD&ĐT theo đúng quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Với phân tích hết sức chi tiết, minh bạch, khoa học, độc lập, phổ điểm cho thấy đề thi năm nay cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, phân hóa và đáp ứng tốt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học. Đặc biệt, môn Tiếng Anh, trước khi có phổ điểm, nhiều ý kiến cho rằng đề thi khó, chưa phù hợp. Nhưng phổ điểm môn này lại phân bố khá phù hợp và phần nào phản ánh được thực tế việc học tiếng Anh hiện nay của học sinh trung học.

Môn Tiếng Anh khắc phục tình trạng “2 đỉnh” như năm trước, thể hiện bước chuyển tích cực trong thiết kế đề thi với xu hướng chuẩn hóa và tăng tính phân loại, đánh giá đúng và thực chất học sinh. Tất nhiên, số lượng thí sinh thi môn Tiếng Anh ít hơn vì là môn lựa chọn, không như các năm trước, đây là môn thi bắt buộc. Tương tự môn Toán, phổ điểm nghiêng trái, phân bố chuẩn, tỷ lệ học sinh đạt trên 5 điểm đủ lớn, đảm bảo điều kiện để xét tốt nghiệp THPT. Nếu năm 2024 không có điểm 10 môn Toán, thì năm nay có 513 điểm 10…

Điểm thi, phổ điểm đồng thời giúp nhận diện “bức tranh” giáo dục các vùng miền, sự thích ứng trong dạy học phát triển năng lực theo Chương trình GDPT 2018 của từng nhà trường. Với đề thi đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường yếu tố thực tiễn, tư duy logic, đòi hỏi việc dạy và học trong nhà trường phải tích cực thay đổi hơn nữa; yêu cầu học sinh học thực chất, hiểu bản chất kiến thức, có kỹ năng đọc - hiểu - phân tích, đúng với tinh thần Chương trình GDPT 2018.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2026 sẽ tiếp tục được tổ chức theo phương án đã phê duyệt tại Quyết định số 4068/QĐ-TTg ngày 28/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD&ĐT từ kinh nghiệm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, sẽ có những bước chuẩn bị từ sớm, từ xa để chuẩn bị cho Kỳ thi năm tới an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực, đúng quy chế, thuận lợi cho thí sinh.

Song song với chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2026, Bộ GD&ĐT cũng sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai từng bước chuẩn bị các điều kiện để đến năm 2027 có thể thí điểm thi trên máy tính; và tiến đến lộ trình đến năm 2030 có thể thi được trên máy tính như chỉ đạo của Thủ tướng và phương án thi giai đoạn 2025 - 2030 đã công bố.

TS Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hưng Yên: Kỳ thi cho thấy kết quả khả quan triển khai Chương trình GDPT 2018

nhin-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-1.jpg
TS Nguyễn Viết Huy.

Những năm qua, xã hội dành sự quan tâm rất lớn với Chương trình GDPT 2018. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng được chú ý trong cảm xúc mong đợi “kết quả đầu ra” sau một chu trình triển khai chương trình mới. Về nội dung này, có thể nhìn nhận ở một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất: Kết quả phân tích phổ điểm đã giải tỏa được băn khoăn, lo lắng về độ khó của đề thi (nhất là môn Tiếng Anh, Toán), khi chuyển từ kiểm tra kiến thức sang định hướng đánh giá năng lực học sinh ở các cấp độ tư duy khác nhau. Số điểm 10 các môn thi đồng nghĩa có một lượng không nhỏ học sinh đã tiếp cận, bắt nhịp nhanh với Chương trình GDPT 2018, với xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai: Trong bối cảnh lần đầu tiên thi theo chương trình mới, việc học thêm tràn lan đã được kiểm soát với Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, kết quả Kỳ thi có tính phân hóa rõ rệt, xuất hiện các thủ khoa ở khu vực nông thôn không có điều kiện học thêm nhiều. Điều này chứng tỏ việc tự học của các em dưới sự hướng dẫn của thầy cô đã có kết quả khả quan.

Thứ ba: Kết quả Kỳ thi là một trong các thông số quan trọng để ngành Giáo dục đánh giá tính hiệu quả khi thực hiện một khối lượng công việc chuyên môn lớn trong những năm qua; từ hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai chương trình, chỉ đạo công tác dạy học và kiểm tra đánh giá, phân tích kết quả đạt được trên diện rộng. Từ đó có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục thời gian tới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã đạt được mục tiêu chính là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy, học của cơ sở giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực để cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, Kỳ thi có tác dụng quan trọng định hướng cách dạy, cách học ở phổ thông.

Cụ thể, giáo viên cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Với nhóm học sinh có năng lực vượt trội, thích nghi nhanh với chương trình, việc dạy các môn học lựa chọn liên quan đến định hướng nghề nghiệp đòi hỏi phải chuẩn bị ở các cấp độ tư duy cao hơn, hướng dẫn các em phương pháp tự học, tự tìm tòi, khám phá.

Với nhóm học sinh còn lại, cần tạo môi trường học tập thân thiện; khuyến khích các em tích cực tham gia các hoạt động học tập để phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân; tư vấn các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình. Tương tự, việc kiểm tra, đánh giá cũng cần được thiết kế để đánh giá đúng năng lực của các nhóm học sinh nêu trên.

Học sinh cần chủ động, tích cực học lý thuyết trên lớp; làm thí nghiệm, thực hành khi học môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên; năng động, sáng tạo khi tham gia các hoạt động trải nghiệm; rèn luyện phương pháp tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô.

Các em cần thường xuyên ứng dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết vấn đề thực tiễn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… hỗ trợ hoạt động học tập. Trên cơ sở đó, các em tự phát hiện năng lực, sở trường để định hướng, lựa chọn chính xác các môn học, học tập có chiều sâu để phục vụ thi, xét tuyển đại học.

Bà Phan Hoàng Tú Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (Vĩnh Long): Học sinh dần quen với đề thi theo hướng đánh giá năng lực

nhin-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-4.jpg
Bà Phan Hoàng Tú Nga.

Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể thấy được chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018, cũng như sự thích ứng của giáo viên, học sinh. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, gắn với thực tiễn.

Trước đổi mới của đề thi, phổ điểm vẫn duy trì được mặt bằng khá và có sự phân hóa. Điều này cho thấy chương trình mới đã có những bước đầu thành công trong việc định hướng dạy học theo hướng phát triển năng lực. Học sinh không chỉ học thuộc lòng mà đã phải vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Các yếu tố thực tiễn trong đề thi giúp học sinh nhận thấy ý nghĩa của việc học, khuyến khích tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Phổ điểm tốt cho thấy học sinh đã tiếp cận được với những phương pháp học tập tích cực hơn.

Có thể thấy, học sinh đã được tiếp cận với các phương pháp dạy học tích cực, chủ động hơn ngay từ các cấp học dưới. Do đó, khi lên THPT, các em có sự thích nghi tốt hơn với việc học tập theo định hướng phát triển năng lực, tư duy phản biện và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Từ thực tiễn nhà trường, thấy rằng học sinh đã dần quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng đánh giá năng lực.

Về giáo viên, thầy cô đã được tham gia nhiều đợt tập huấn về chương trình mới, về phương pháp dạy học phát triển năng lực và kiểm tra, đánh giá theo định hướng mới. Dù còn khó khăn, nhưng bộ phận lớn giáo viên đã chủ động tìm tòi, học hỏi để đáp ứng yêu cầu của chương trình. Kinh nghiệm từ những giáo viên tiên phong, tích cực đã được chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng giáo dục. Áp lực từ yêu cầu đổi mới của chương trình cũng là động lực khiến giáo viên chủ động thích ứng, đáp ứng yêu cầu công việc, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình, sách giáo khoa nếu có những điểm chưa thực sự phù hợp, chưa tối ưu cho việc phát triển năng lực học sinh, hoặc quá tải. Cung cấp thêm tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo đa dạng, phong phú cho cả giáo viên và học sinh, đặc biệt là các tài liệu liên quan đến việc triển khai các hoạt động thực tiễn, dự án học tập.

Công tác bồi dưỡng cần được thực hiện thường xuyên, chuyên sâu hơn, không chỉ tập trung vào lý thuyết mà đi sâu vào các tình huống sư phạm cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Chú trọng bồi dưỡng năng lực ra đề kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực cho giáo viên, để việc kiểm tra nội bộ trường học cũng tiệm cận với định hướng của đề thi quốc gia.

Để dạy học phát triển năng lực, cũng cần có đủ các phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện, các thiết bị dạy học hiện đại. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng, sử dụng các học liệu số, nền tảng học tập trực tuyến để hỗ trợ việc tự học của học sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy trong bối cảnh hiện nay.

Môn Tiếng Anh khắc phục tình trạng “2 đỉnh” như năm trước, thể hiện bước chuyển tích cực trong thiết kế đề thi với xu hướng chuẩn hóa và tăng tính phân loại, đánh giá đúng và thực chất học sinh. Tất nhiên, số lượng thí sinh thi môn Tiếng Anh ít hơn vì là môn lựa chọn, không như các năm trước, đây là môn thi bắt buộc. Tương tự môn Toán, phổ điểm nghiêng trái, phân bố chuẩn, tỷ lệ học sinh đạt trên 5 điểm đủ lớn, đảm bảo điều kiện để xét tốt nghiệp THPT. Nếu năm 2024 không có điểm 10 môn Toán, thì năm nay có 513 điểm 10…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những người biểu tình ở Kiev lên án luật tước bỏ tính độc lập của Cục Chống tham nhũng Quốc gia và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Chuyên trách, ngày 22/6/2025.

Biểu tình phản đối ông Zelensky

GD&TĐ - Hôm 22/7, hàng nghìn người ở Ukraine đã biểu tình phản đối quyết định hạn chế tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng của đất nước.