"Phân luồng" giúp học sinh và gia đình tiết kiệm thời gian, tiền bạc

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, nhiều học sinh yếu, kém nhưng lại có năng khiếu và rất khéo tay khi học nghề. Hơn nữa, hiện nay trong xã hội đang có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” nên công tác phân luồng học sinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Phân luồng học sinh từ việc nâng cao chất lượng hướng nghiệp, dạy nghề. Ảnh minh họa/internet
Phân luồng học sinh từ việc nâng cao chất lượng hướng nghiệp, dạy nghề. Ảnh minh họa/internet

Đó là ý kiến của thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang). Theo thầy Lạc, làm tốt công tác phân luồng không chỉ mang lại cho xã hội nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn giúp học sinh và gia đình tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc và công sức khi khả năng học tập của các em không đáp ứng được theo nội dung, chương trình giáo dục phổ thông.

Hầu như ở các trường THCS và THPT đều tổ chức dạy nghề cho học sinh theo quy định trong chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT. Ở cấp THCS, công tác dạy nghề thường do các Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thị đảm nhận.

Tuy nhiên, thầy Đàm Thanh Lạc cho rằng, việc tổ chức dạy nghề cho học sinh ở các trung tâm này còn nhiều bất cập về nội dung cũng như phương pháp dạy. Nội dung dạy nghề chỉ tập trung vài nghề như: thêu tay, cắt may, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng… Nội dung dạy nghề thiếu sự hấp dẫn nên ít học sinh đăng ký học hoặc học qua loa để kiếm điểm cộng cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Ngoài ra, phương pháp dạy nặng về truyền thụ lý thuyết, thời lượng dành cho học sinh thực hành hết sức hạn chế do thiếu thốn cơ sở vật chất. Không ít học sinh học xong khóa học sửa chữa xe gắn máy mà không sửa được những trục trặc thông thường của xe do các em chỉ được làm quen trên hình vẽ mà không có phụ tùng để thực hành thường xuyên.

Bên cạnh đó, Không chỉ học sinh mà cả một bộ phận nhỏ cán bộ, giáo viên chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp - dạy nghề. Đối với cấp THPT, hầu hết các trường chỉ tổ chức dạy nghề tin học theo quy định.

Nguyên nhân do không có giáo viên chuyên trách dạy nghề và điều kiện cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng việc giảng dạy các nghề khác. Không có sự lựa chọn nghề để học nên học sinh buộc phải học nghề tin học do nhà trường tổ chức. Từ đó, trong tư tưởng phần lớn học sinh chỉ hướng đến việc cộng điểm để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chưa nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc học nghề.

Để giúp phân luồng học sinh, theo thầy Đàm Thanh Lạc, trước tiên phải làm cho các em nhận thức được rằng: Đại học không phải là con đường duy nhất để các em lập nghiệp. Để các em bước vào đời mà học nghề cũng là hành trang vững chắc để các em có chỗ đứng trong xã hội.

Trách nhiệm của nhà trường là cần thu hút học sinh học nghề, thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy nghề. Muốn làm được điều này, nhà trường cần khảo sát nhu cầu học nghề trong học sinh và liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường dạy nghề để tư vấn, hướng dẫn và tổ chức dạy nghề cho học sinh.

Các nghề đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng cần phong phú, thiết thực và đảm bảo “đầu ra” để các em có thể tiếp tục học chuyên sâu nghề đó khi tốt nghiệp THCS hay THPT. Có như thế, công tác dạy nghề mới phát huy được lợi ích, hiệu quả đối với học sinh. Từ đó, góp phần phân luồng học sinh và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: