Phân định Hội đồng trường

GD&TĐ - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được chỉnh lý thống nhất về tên gọi Hội đồng trường ở cả trường công lập và tư thục; phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Có ý kiến đề nghị quy định rõ vị trí pháp lý của Hội đồng trường; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm và mối quan hệ giữa Hội đồng trường và các thiết chế khác; quy định cơ cấu thành viên Hội đồng, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường và của Hiệu trưởng theo hướng mở, linh hoạt để có thể lựa chọn được nhiều ứng viên có đủ năng lực, uy tín;

Về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý thống nhất về tên gọi Hội đồng trường ở cả trường công lập và tư thục; phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học.

Hội đồng trường thực hiện quản trị nhà trường thông qua các trách nhiệm, quyền hạn được quy định cụ thể; Hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và theo các nghị quyết của Hội đồng trường, chịu sự giám sát của cơ quan này.

Các nội dung về nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc, cơ cấu và tỉ lệ thành viên Hội đồng trường; tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường cũng như yêu cầu về điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng trường, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của Hiệu trưởng,… đều đã được đề cập rất chi tiết, cụ thể và phù hợp với tính chất của từng loại hình trường như trình bày trong Dự thảo Luật.

Để tạo điều kiện thu hút nhiều ứng viên có năng lực, tâm huyết tham gia quản trị, quản lý cơ sở GDĐH, Dự thảo Luật không quy định chi tiết về tiêu chuẩn, độ tuổi, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng mà giao cho trường tự chủ quyết định theo quy chế tổ chức và hoạt động trên cơ sở phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Hội đồng đại học chịu trách nhiệm về định hướng và phối hợp nhằm thực hiện sứ mệnh toàn hệ thống và tham gia vào quy trình nhân sự chủ chốt cấp đại học.

Cũng có đại biểu đề nghị thể chế hóa chức danh Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng ủy (theo Nghị quyết 19/NQ-TƯ) trong trường công lập; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy hệ thống cơ sở GDĐH gồm trường công lập, trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, thì vai trò của tổ chức cơ sở Đảng ở từng loại hình trường sẽ có sự khác biệt. Bởi vậy, nội dung này nên quy định tại các văn bản hướng dẫn và trong các văn bản của Đảng sẽ phù hợp hơn.

Liên quan đến nội dung cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học,Thường trực Ủy ban cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng phân biệt hai loại hình cơ sở GDĐH là công lập và tư thục.

Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường có vốn đầu tư trong nước và trường có vốn đầu tư nước ngoài, và theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã đưa ra mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở GDĐH theo hướng không phân biệt về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, tên gọi của các thiết chế quản trị, quản lý giữa trường công lập và trường tư thục;

Không phân biệt về cơ cấu tổ chức giữa trường tư thục có vốn đầu tư trong nước và trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài cũng như rà soát các khái niệm, thuật ngữ, tên gọi của các tổ chức bên trong nhà trường cho phù hợp với quốc tế và thống nhất với các quy định trong các đạo luật chuyên ngành có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ