Phản biện, tranh luận kém khó có chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả

GD&TĐ - Phản biện, tranh luận là đưa ra những lập luận, lý lẽ, bằng chứng, nhằm lý giải, chứng minh ngược lại một vấn đề, một hiện tượng, một quan điểm, một công trình nghiên cứu nào đó hoặc làm rõ vấn đề còn chưa sáng tỏ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Người dân bối rối không biết lắp bình chữa cháy vào chỗ nào trong xe ô tô theo Thông tư số 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an. (Ảnh minh họa, theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Người dân bối rối không biết lắp bình chữa cháy vào chỗ nào trong xe ô tô theo Thông tư số 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an. (Ảnh minh họa, theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Dưới góc độ bài viết này, xin chỉ đề cập đến việc phản biện, tranh luận trong các cuộc họp, hội nghị của các cơ quan nhà nước để mong tránh được chuyện ban hành những văn bản "dở khóc", dở cười"... mà điển hình như đã từng xuất hiện những văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị, thông tư không thể thi hành được, như quy định “thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ”theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT.

Hoặc chuyện dự thảo quy định "hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con gái một bề"; quy định về “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” tại Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức; quy định về số vòng hoa trong tang lễ. 

Rồi cũng đã từng có quy định ngực lép không được lái xe; quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; hay dự thảo thông tư quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C…Và còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thực tiễn, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống mà nếu trước khi ban hành nó được đưa ra cho các chuyên gia, dư luận bàn bạc, phản biện thì không đến nỗi "chết yểu", bị dư luận phản ứng gay gắt. 

Có thể nói, phản biện không phải là tư duy nói trái chiều, cố gắng tìm cách biện luận ngược mà người phản biện, tranh luận chỉ phản biện khi thấy rõ ràng và có bằng chứng ai đó trình bày, thể hiện đang có những lỗ hổng, những thiếu sót, thậm chí là sai lệch. Mục đích cuối cùng của phản biện, tranh luận là làm sáng tỏ vấn đề dưới ánh sáng thuyết phục của những lý luận mà người phản biện đưa ra, không phải là bác bỏ, chỉ trích, phê bình hay phê phán.

Trong thời gian gần 20 năm công tác, tôi đã tham dự khá nhiều cuộc họp, hội nghị, với nhiều tư cách khác nhau từ thư ký, thành viên cho đến chủ trì một số cuộc họp. Điều tôi rút ra được là các ý kiến tranh luận, phản biện tại các cuộc họp, hội nghị rất hạn chế, nhất là việc cấp dưới tranh luận, phản biện, góp ý trực tiếp với cấp trên lại càng hiếm. Phần lớn kết quả các cuộc họp, hội nghị đều bị chi phối bởi ý chí cá nhân của người điều hành, chủ trì.

Thông thường trước các cuộc họp, hội nghị bộ phận tham mưu đã chuẩn bị sẵn cho người chủ trì cuộc họp, hội nghị một bản dự thảo kết luận và sau đó người chủ trì sẽ... đọc bản kết luận này vào cuối cuộc họp, nếu có thêm nội dung thì chỉ... chút ít.

Tại cuộc họp, người chủ trì sẽ trình bày các dự thảo báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ cần triển khai và đưa ra ý kiến của mình. Sau đó những người tham dự sẽ tham gia ý kiến, tranh luận. Tuy nhiên, thường thì có rất ít ý kiến phản biện, tranh luận, góp ý cụ thể mà các ý kiến đưa ra thường là các nhận định chung chung “tiếp thu cũng được, không thì cũng chẳng sao”, theo kiểu đối phó, hình thức, cho có.

Thậm chí, một số cuộc họp, hội nghị bàn phương hướng hoặc giải quyết tình huống trong quản lý lại biến thành nơi báo cáo thành tích, ca ngợi lẫn nhau. Khi đó những người có ý kiến phản biện, tranh luận với cấp trên sẽ bị cho là lắm lời, chống đối, có vấn đề về tư tưởng...

Chính bởi vậy, nhiều cuộc họp, hội nghị không phát huy được trí tuệ tập thể do không có ý kiến đóng góp, tranh luận, phản biện thẳng thắn. Có trường hợp người tham dự được cấp dưới chuẩn bị ý kiến từ trước đến cuộc họp là “phát” thao thao bất tuyệt, nhiều khi chính họ cũng không biết mình đang nói cái gì.

Bên cạnh đó, tình trạng người đưa ra ý kiến phản biện không bảo vệ ý kiến đến cùng mà thường bỏ dở hoặc đổi ý, thuận theo ý kiến cấp trên khi “được” cấp trên chất vấn. Không ít trường hợp người chủ trì, điều hành bảo thủ, cố chấp không quan tâm đến các ý kiến phản biện, tranh luận mà cứ máy móc theo ý kiến của mình, dù bất chấp hậu quả, đúng sai thế nào.

Chính vì vậy, phản biện, tranh luận, góp ý trong các cuộc họp không chất lượng, hiệu quả, thậm chí mang tính thủ tục, hình thức. Vì vậy, nhiều chủ trương, chính sách ban hành ra không phát huy hiệu quả, không khả thi, không đi vào thực tế cuộc sống đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần quan tâm, khuyến khích việc tranh luận, phản biện, góp ý ngay từ các cuộc họp, hội nghị. Điều này sẽ góp phần phát huy được trí tuệ tập thể, khắc phục được những hạn chế, bất cập và các lỗ hổng đảm bảo các chủ trương, chính sách ban hành khả thi và sát với thực tế cuộc sống hơn.

Đặc biệt sẽ hạn chế được tình trạng áp đặt, mất dân chủ, chủ quan duy ý chí dẫn đến việc ban hành các chính sách “trên trời”, gây thiệt hại cho công dân, tổ chức và cản trở sự phát triển của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.