Tranh của Nguyễn Văn Hổ
Tôi gặp Linh lần đầu tiên vào năm 2010 khi cậu cùng các bạn trong nhóm Big Toe ( Ngón chân cái) vừa chiến thắng trở về từ giải R16 Đông Nam Á với giải ba R16 solo của Linh, giải nhất R16 Đông Nam Á của nhóm. Bẵng đi một thời gian, gần đây thấy Linh xuất hiện với vai trò biên đạo múa đương đại. Hip hop vẫn bùng cháy trong Linh, có điều giờ đây Linh đã chững chạc hơn nhiều trong vai trò trưởng nhóm S.I.N.E và thành viên ban giám khảo một số cuộc thi hip hop trong và ngoài nước.
Tuổi thơ đơn độc
Nhà Linh ngay đối diện trường tiểu học Văn Chương. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khu vực này vốn từng được coi là một trong những "xóm liều" của thủ đô với đủ các tệ nạn xã hội như trộm cắp, buôn bán ma túy... Gia đình Linh cũng nằm trong vòng xoáy của những tệ nạn này.
Không thể cứ ngồi gặm nhấm quá khứ, Linh 3T cho rằng, cần phải phát triển đội hình trẻ. Giờ, tuy không còn ở đỉnh cao của nghề nghiệp, Linh 3T vẫn truyền nhiệt huyết của mình cho các bạn trẻ.
Linh kể, cuộc đời Linh có ba cột mốc không bao giờ quên, đều liên quan đến con số 8: 8 tuổi, 18 tuổi và 28 tuổi. Khi Linh ở những tuổi đó, mẹ bị đi tù vì tội buôn bán ma túy. Thế nhưng, đỉnh điểm của thời khốn khó của gia đình Linh là khi Linh 12 tuổi. Khi đó mẹ thì vẫn ở trong trại, còn bố bị bắt đi chịu án bổ sung. Chị gái hơn Linh vài tuổi đã sớm đi lấy chồng. Gia đình hai bên nội ngoại thay nhau cưu mang Linh và cậu em trai.
Thế nhưng, tính Linh vốn quen sống tự do, không muốn sống dựa dẫm vào ai, nên đến ở nhà bác được vài tháng thì đòi về nhà mình. Ngôi nhà nhỏ 2 tầng ở ngõ Văn Chương chỉ còn duy nhất cậu bé 12 tuổi sống ở đó. Tầng 1 được cho thuê làm cửa hàng để Linh có thêm chút ít tiền ăn học. Cậu bé Linh sống lủi thủi trên tầng 2.
Dạo đó, Linh là khách hàng nhẵn mặt của quán cơm bụi gần nhà. Linh cho biết, có một thời gian dài cậu chỉ cho phép mình ăn cơm với rau vì tiêu chuẩn một bữa chỉ mấy ngàn đồng. Lúc nào ngán quá thì tự cho phép mình "hoang" một chút, khi thì gọi thêm ít lạc, khi thì ít trứng, khi thì ít đậu phụ... Những lúc " túng" quá, Linh cũng làm thêm nghề bán tờ rơi kết quả xổ số mỗi lúc chập choạng tối, chứ nhất quyết không dính vào các tệ nạn xã hội, dù có nhiều rủ rê, dụ dỗ.
Linh tâm sự: "Dù sao, em cũng phải cảm ơn cái "giếng làng" đó vì nó làm cho mình có sự so sánh. Nhờ say mê tập luyện hip hop, em đã có nhiều cơ hội được đi ra nước ngoài, được học hỏi nhiều, có hiểu biết nhiều. Em thấy mình được nhiều hơn mất".
Bạn bè trong giới hip hop hay gọi Phạm Khánh Linh là Linh 3T. Hỏi ra mới biết, 3T là tên viết tắt của 3 chữ T trong tiếng Anh - To The Top ( có nghĩa là Vươn tới Đỉnh cao) cho nó oai, chứ thực ra, 3T là nói chệch của từ pa-tê trong bánh mì pa-tê, món sở trường của Linh. Đó là thời mà chiều chiều, cậu bé 14-15 tuổi Phạm Khánh Linh đi xe buýt từ nhà ra gò Đống Đa tập hip hop cùng các bạn trong nhóm BigToe, mua tạm cái bánh mì pa - tê ăn lót dạ trước buổi tập.
Ở tuổi 28, Phạm Khánh Linh lại đón nhận một tin dữ. Đợt festival Huế tháng 6 vừa qua, khi cả đội đang vui mừng trở về khách sạn sau khi buổi diễn, Linh nhận được tin báo của bố: "Mẹ lại bị bắt vì ma túy". Lúc đó, dường như Linh như muốn phát điên. Cậu vào trong phòng khóa trái cửa, rồi gào khóc. Cậu đã từng nói với mẹ: "Giờ con có thể nuôi được mẹ, mẹ đừng quay về việc ấy nữa." Mẹ Linh cũng hứa thôi, vậy mà... Linh nói trong nước mắt: "Mẹ em năm nay 53 tuổi, đi trại 10 năm nữa thì coi như hết đời...".
SignMove và liều
Ở thời kỳ đỉnh cao, Linh 3T có thể thực hiện được động tác cực khó mà dân hip hop trên thế giới cũng phải nể phục. Đó là SignMove, động tác trượt đầu trên mặt đất và xoay tròn. Các bạn tập của Linh từng kể, có những lần Linh tập bị đập đầu xuống đất, những tưởng cậu sợ không dám làm lại, vậy mà chỉ hơn 1 tiếng sau, Linh đã quay lại đòi tập. Có người cho rằng, như thế quá liều mạng. Nhưng chính cái liều đó đã đem lại thành công cho Linh. Linh khoe, bây giờ mọi người gọi động tác đó là 3T Move đấy.
Năm 2011, 16 thành viên chủ chốt của Big Toe, trong đó có Phạm Khánh Linh đã tách khỏi Big Toe và thành lập nhóm mới mang tên S.I.N.E (viết tắt của Saying Is Not Enough, có nghĩa Nói Thì Không Đu). Linh nhiều tuổi nhất (23 tuổi), có nhiều kinh nghiệm và uy tín nhất nên được bầu là trưởng nhóm. Năm 2014, cả nhóm đặt quyết tâm cao với lịch tập dày đặc, ngày nào cũng tập luyện từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm. Ban ngày, các thành viên làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi đam mê. Có người làm phụ bán hàng, có người làm vận chuyển, bán quầy bar... nhưng cứ 6 giờ tối là có mặt ở địa điểm tập. Suốt 7 tháng trời (từ tháng 3 đến tháng 10), nhóm tăng cường độ tập luyện lên 8 tiếng/ngày. Những nỗ lực đó được đền bù xứng đáng bằng giải ba BOTY tại Đức năm 2014, giải thưởng được giới nhà nghề đánh giá cao với bề dày lịch sử 27 năm và được chính phủ Đức bảo trợ.
Sau thành công đó, nhiều thành viên đều nhẵn túi vì có bao nhiêu tiền dốc hết cho tập luyện và trang trải kinh phí đi thi đấu từ vòng loại. Có người làm việc cho công ty thì bị cho thôi việc vì chẳng ông chủ nào có thể chịu đựng được nhân viên cứ tuần 3 buổi xin về sớm trong nửa năm trời. Riêng Linh may mắn hơn khi nhận được học bổng về biên đạo múa tại Đan Mạch. Đây là chương trình trao đổi văn hóa giữa nghệ sỹ trẻ Việt Nam và nhà hát UpperCut/ Dansekapellet ( do chính phủ Đan Mạch tài trợ) từ năm 2011- 2014. Trong vòng 3 năm đó, mỗi năm Linh được sang Đan Mạch học và làm việc 1-2 tháng, rồi lại về Việt Nam 3-4 tháng. Đây là học bổng trao đổi nghệ thuật nên không phải lên lớp hàng ngày, mà làm việc theo project (dự án, chương trình), trả bài theo tác phẩm.
Trong thời gian này, Linh cũng may mắn được nhận làm việc hợp đồng một năm với Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Linh không phải đến nhà hát thường xuyên mà chỉ tập hợp khi nào có hội diễn. Với cơ chế thoáng như vậy , Linh vẫn đeo đuổi được hip hop và được chắp cánh trong nghề nghiệp. Linh đã tham gia tác phẩm do Trần Ly Ly làm biên đạo và góp phần mang về cho nhà hát 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc qua tác phẩm múa đương đại "Thiền" tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.
Đến nay, những cái tên như Đạt bông, Dũng rùa, Chí phều, đội hình mang lại cho hip hop Việt Nam một huy chương đồng thế giới không còn thi đấu nữa, có người lập gia đình, có người tập trung vào công việc kinh doanh. Không thể cứ ngồi gặm nhấm quá khứ, Linh 3T cho rằng, cần phải phát triển đội hình trẻ. Giờ, tuy không còn ở đỉnh cao của nghề nghiệp, Linh 3T vẫn truyền nhiệt huyết của mình cho các bạn trẻ.
Trong năm 2016, Linh đã đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và tổ chức các workshop miễn phí để chia sẻ đam mê hip hop của mình. Linh nhớ mãi cái xóm chài ở Quy Nhơn, nơi Linh được mời về dạy hip hop cho các em nhỏ ở đây. Linh không ngờ, chỉ một vài buổi tập luyện, phong trào hip hop lan rộng khắp xóm chài, các em nhỏ nhảy hip hop khiến cả xóm vui nhộn .
Linh ao ước, giá như ở Việt Nam, những bạn trẻ yêu hip hop thay vì uống một ly trà sữa sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào xem, rồi mời bạn bè, bố mẹ đến xem thì sẽ giúp hip hop phát triển rất nhiều. Linh kể: "Em đã từng đi thi đấu ở những giải chung kết thế giới tại Đức, Pháp, Hàn Quốc với sân vận động kín khán giả, phải đến 30.000- 40.000 người, mà giá vé không hề rẻ: 40-60 euro đấy. Những nơi đó, cộng đồng hip hop rất lớn mạnh".
Chẳng ai yêu người suốt ngày cắm đầu xuống đất
Linh 3T cho biết, cũng như các môn thể thao khác, chấn thương trong quá trình tập luyện là chuyện bình thường. Bản thân Linh đã từng bị sái cổ, rạn xương sườn. Có những đợt bị thương nặng nhất, phải nghỉ tập 2 tháng liền. Hỏi Linh đã có người yêu chưa, Linh cười hiền: "Người thương thì không phải không có, nhưng chẳng cô nào chịu được em, người suốt ngày chỉ biết cắm đầu xuống đất. Hơn nữa, hiếm cô nào có thể chịu đựng được người suốt ngày chỉ biết có tập luyện, về đến nhà nói chuyện được dăm ba câu là lăn đùng ra ngủ".