Phạm Công Danh bị suy thận độ 3 không thể ngồi nghe cáo trạng

GD&TĐ - Sáng 9/1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng Sacombank) cùng 44 đồng phạm về vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phạm Công Danh được HĐXX cho phép ra ngoài nghe cáo trạng vì bị suy thận độ 3 nên không thể ngồi lâu.
Phạm Công Danh được HĐXX cho phép ra ngoài nghe cáo trạng vì bị suy thận độ 3 nên không thể ngồi lâu.

Từ 8h20, hai đại diện Viện Kiểm sát (VKS) công bố cáo trạng. Chủ toạ cho phép các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thị Bích Thuỷ được ngồi nghe cáo trạng vì lý do sức khoẻ. Còn tất cả các bị cáo khác phải đứng nghe công bố cáo trạng.

Đến 9h, chủ toạ Phạm Lương Toản phải đề nghị đại diện VKS tạm dừng đọc cáo trạng để cho phép Phạm Công Danh ra ngoài. Theo chủ tọa, Phạm Công Danh bị suy thận độ 3 nên không thể ngồi lâu nghe cáo trạng.

HĐXX cho phép bị cáo Danh ra ngoài gần vị trí của VKS để tiếp tục nghe cáo trạng và được chăm sóc sức khỏe.

Trong phiên xử sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân và Phạm Quang Huy từ chối luật sư bào chữa do toà chỉ định. Theo đó, bị cáo sẽ thực hiện quyền tự bào chữa cho mình.

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm thuộc giai đoạn 2 của vụ án.

Ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho VNCB 6.127 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc tiếp tay cho ông Danh gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng.

Phiên toà do thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh án TAND TP.HCM) làm chủ toạ, dự kiến kéo dài từ 8/1-7/2.

Tham dự phiên tòa có 46 bị cáo, 70 luật sư, hơn 200 người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong ngày xét xử 8/1, nhiều "đại gia" như: Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín)... vắng mặt.

VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người như ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang vì sự vắng mặt của họ có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên tòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ