“Phác thảo” kỳ thi quốc gia sau năm 2021

GD&TĐ - Tại Hội nghị Tổng kết năm học 20018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 đối với Giáo dục Trung học, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến, giai đoạn năm 2021 – 2023, kỳ thi THPT quốc gia về căn bản sẽ giữ ổn định như phương thức thi hiện nay, những nơi nào có điều kiện thì có thể triển khai thi trên máy tính và tổ chức khoảng vài lần/năm.  

Giai đoạn 2021 - 2023, kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay
Giai đoạn 2021 - 2023, kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi THTP quốc gia sẽ giữ ổn định như hiện nay và thực hiện cho đến năm 2020. Bộ GD&ĐT đang tổ chức thực hiện việc xây dựng hệ thống câu hỏi để trên cơ sở đó các Sở GD&ĐT sử dụng để đánh giá, kiểm tra thường xuyên.

Giai đoạn 2021-2023, các trường học vẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và theo lộ trình thì năm 2024 sẽ có mùa thi THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Do đó, định hướng kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn năm 2021-2023 về căn bản vẫn giữ phương thức như hiện nay. Bắt đầu từ năm 2023 sẽ bắt đầu có đổi mới để đến năm 2024 sẽ có một kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận năng lực, ứng dụng CNTT trong tổ chức thi, tiệm cận cách thức thi của quốc tế.

Chính vì vậy, ngành GD&ĐT sẽ phải có những bước chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn tiếp theo để đến năm 2024, việc thực hiện sẽ không quá bỡ ngỡ. Cụ thể, đối với những nơi nào có điều kiện, có thể thực hiện việc tổ chức thi trên máy tính và có thể tổ chức thi một số lần trong một năm.

Kết quả của các đợt thi này có thể sử dụng để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây cũng là bước để hình thành các vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia, tiến tới kỳ thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ