Kỳ thi THPT quốc gia 2019 nghiêm túc, an toàn, được xã hội chấp nhận

Thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền
Thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền

Các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và nhiều chuyên gia GD ghi nhận và đánh giá cao kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Hầu hết các ý kiến đều phản ảnh: Kỳ thi năm nay được xã hội chấp nhận và đánh giá cao.

Đáp ứng hai mục tiêu

Cả nước huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo được mục tiêu đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông.

Đồng thời, đảm bảo kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và làm cơ sở cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ ở mức độ phù hợp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật giáo dục đại học.

Mặt khác, Kỳ thi cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Kỳ thi năm nay cũng nhận được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội. Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh/thành phố đã chủ động vào cuộc cùng với ngành Giáo dục, tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Kỳ thi.

Các địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác thi và chấm thi hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc
 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019, trong đó có vai trò chủ đạo của Bộ GD&ĐT. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận định, Kỳ thi năm nay đã khắc phục được một số nhược điểm của Kỳ thi năm 2018; trong đó có các giải pháp chống tiêu cực, gian lận trong thi cử và khâu chấm thi.

Đặc biệt, năm nay Bộ áp dụng các giải pháp kỹ thuật về công nghệ trong khâu chấm thi rất đúng và phù hợp. 

Ghi nhận Kỳ thi năm nay diễn ra êm ả, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Những nhược điểm của Kỳ thi năm 2018 mà xã hội băn khoăn, lo lắng đã được khắc phục ở Kỳ thi năm nay.

Không chỉ là sự nghiêm túc, an toàn, kết quả kỳ thi năm nay khá tốt. Phổ điểm phản ánh chất lượng dạy - học ở các địa phương. Điều quan trọng là kỳ thi đã đạt được mục tiêu: Xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Bà Ngô Thị Minh kết luận buổi làm việc
 Bà Ngô Thị Minh kết luận buổi làm việc

Các điều chỉnh kỹ thuật phát huy tác dụng

Đồng tình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Kỳ thi THPT quốc gia năm vẫn bảo đảm mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT nhưng cũng có căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng tuyển sinh đại học. Kỳ thi cũng là cơ sở để điều chỉnh dạy học ở các trường phổ thông.

Không vì sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương mà thay đổi cả phương thức thi. Chúng ta cố gắng duy trì phương thức thi, nhưng có thay đổi về mặt kỹ thuật, để kỳ thi được diễn ra công bằng, khách quan. Kỳ thi vừa qua đã có những điều chỉnh và cách điều chỉnh đã thực sự phát huy tác dụng, đã làm cho kỳ thi nghiêm túc và an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, tại các phiên họp thường kỳ và các cuộc họp khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có kết luận: Giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng phương án tổ chức thi đảm bảo khách quan. Các địa phương chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức kỳ thi.

Bộ GD&ĐT không chỉ đạo trực tiếp địa phương, mà địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tổ chức kỳ thi. Với tinh thần đó, kỳ thi năm nay đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã làm rõ một số nội dung liên quan đến đề thi, tài chính, tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục

Camera giám sát khu vực chấm thi. Ảnh: Sỹ Điền
  Camera giám sát khu vực chấm thi. Ảnh: Sỹ Điền

Kết luận buổi làm việc, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và tinh thần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019

Kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc, an toàn và đến giờ phút này được dư luận xã hội chấp nhận. Đặc biệt, Kỳ thi đã khắc phục được sai sót của năm 2018 như: Sử dụng cán bộ giảng viên đại học vào khâu coi thi, chấm thi trắc nghiệm; đánh phách điện tử phiếu thi trắc nghiệm. Đề thi năm nay đáp ứng hai mục tiêu và không có "sạn".

Cũng theo bà Ngô Thị Minh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp rất tốt và chặt chẽ với các địa phương để tổ chức kỳ thi 2019 thành công. "Chúng tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp này, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, tích cực của địa phương" - bà Ngô Thị Minh nói, đồng thời đề nghị: Bộ GD&ĐT có báo cáo rõ hơn bằng văn bản về một số nội dung liên quan đến phần mềm chấm thi; đầu tư xây dựng ngân hàng đề thi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.