Chặng đường nhiều thách thức phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi

GD&TĐ - Đề án "Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi)” được kỳ vọng chóng đạt mục tiêu khi có tiền đề vững chắc về cơ sở vật chất, đội ngũ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thí điểm, đại diện ngành Giáo dục một số địa phương nhìn nhận, phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi là chặng đường còn dài với nhiều thách thức.

Khó khăn phía trước

Phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi là cần thiết trong bối cảnh cả nước đã hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi từ năm 2017. Tuy nhiên, theo bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), mong muốn là vậy nhưng thực tế triển khai phải đối diện nhiều khó khăn.

Đầu tiên là mạng lưới trường lớp hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ; đặc biệt là khu vực khó khăn, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Tính chung trên cả nước, tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học còn thấp (28,2%), mẫu giáo đạt 92,4%; cả nước còn gần 8% trẻ em mẫu giáo và 71,8% trẻ nhà trẻ chưa được tiếp cận giáo dục. Đối với vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, còn 81% trẻ nhà trẻ, 13,4% trẻ mẫu giáo chưa được tiếp cận GDMN.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy phân tích, thách thức và khó khăn vùng miền là rào cản lớn trong việc phổ cập GDMN nói chung và phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi nói riêng. Cụ thể, chất lượng GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại các địa phương này còn thiếu điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ. Số trẻ mầm non được tổ chức ăn bán trú còn thấp (thấp hơn bình quân chung 9,8%) dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao so với bình quân chung toàn quốc.

“Những căn nguyên trên dẫn đến việc tỷ lệ trẻ em đi học chuyên cần còn hạn chế do khoảng cách từ nhà đến trường xa, điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường. Đặc biệt, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số gặp rào cản ngôn ngữ khi chương trình thực hiện bằng tiếng Việt (tiếng phổ thông), trong khi ở nhà trẻ chỉ nói tiếng mẹ đẻ.

Cùng với đó là việc ban hành các chính sách cho trẻ em vùng khó khăn còn thiếu hụt. Đội ngũ giáo viên cấp học mầm non còn thiếu nhiều so với định mức quy định, chính sách cho nhà giáo còn hạn chế. Những khó khăn này cho thấy cần phải sớm xây dựng đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi với những chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể và toàn diện”, Phó Vụ trưởng Cù Thị Thủy nhấn mạnh.

Kiến nghị từ thực tế

Triển khai đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau kiến nghị: Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) đưa ra tiêu chí phấn đấu đến năm 2025 có đủ số lượng giáo viên theo quy định là rất khó. Về cơ hội tiếp cận GDMN của trẻ em, quy định đảm bảo tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình GDMN đạt 95% vào năm 2025 và 97% vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 có 100% trẻ em tại các cơ sở GDMN được học 2 buổi/ngày cũng khó đạt được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Là tỉnh có cả miền núi, vùng dân tộc, biên giới và khu kinh tế, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Cần tăng cường vai trò tham mưu xây dựng chính sách đối với đội ngũ theo hướng đặc thù. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Cũng như đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành.

Điển hình, vai trò trách nhiệm Bộ Công an trong việc hỗ trợ công tác điều tra dân số liên quan đến phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi rất quan trọng. Trên cơ sở các thông tin thống kê và sự hỗ trợ của bộ ngành, việc ban hành chính sách phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi mới đạt được mục đích mong muốn.

Bắc Ninh khá thành công trong việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, từ kinh nghiệm này, đại diện ngành Giáo dục kiến nghị: Cần có nguồn kinh phí riêng, phù hợp cho công tác phổ cập giáo dục. Nguồn tiền này đảm bảo chi cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện các nhiệm vụ phổ cập giáo dục như công tác chỉ đạo, phối hợp, điều tra, nhập liệu, theo dõi… nhất là với đơn vị có nhiều khu công nghiệp, lượng dân số cơ học tăng nhanh hoặc có nhiều biến động.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ. Phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi rất cần có lộ trình thực hiện việc miễn học phí, tiến tới miễn học phí đối với trẻ 24 - 36 tháng tuổi nhằm tăng tỷ lệ huy động ra lớp và tạo tiền đề thực hiện phổ cập giáo dục tiền mẫu giáo.

TP Hồ Chí Minh là địa phương đông dân nhất cả nước, số lao động nhập cư lớn, đang độ tuổi nuôi con nhỏ nên đại diện Sở GD&ĐT TP kiến nghị về cơ hội tiếp cận GDMN của trẻ em. Theo đó, đề án đưa ra lộ trình đảm bảo tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình GDMN đạt 95% vào năm 2025 và 97% vào năm 2030 cần điều chỉnh thành “Phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, lớp đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030”. Hay mục tiêu địa phương được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo cũng nên giảm từ 60% xuống có 50% vào năm 2025, có 100% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.

Nhiều địa phương thống nhất quan điểm, để thực hiện Phổ cập GDMN 3 - 4 tuổi cần ban hành chính sách ưu tiên chỉ tiêu biên chế cho vùng đồng bào DTTS&MN, kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo; Nghiên cứu, đề xuất chính sách miễn học phí, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) theo lộ trình, trình Chính phủ phê duyệt. Bảo đảm chế độ làm việc của giáo viên mầm non theo Luật Lao động, có chế độ hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, giáo viên dạy vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng huyện đảo đặc thù... trong các cơ sở GDMN công lập. Hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên các cơ sở GDMN ngoài công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ