Cần chính sách, kinh phí rõ ràng để phổ cập mầm non trẻ 3-4 tuổi

GD&TĐ - Sự quan tâm của các cấp, ngành, phụ huynh và việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, là điều kiện thuận lợi để phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi.

Các bé Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) trải nghiệm tập làm đầu bếp ở trường.
Các bé Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) trải nghiệm tập làm đầu bếp ở trường.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) có tổng số 220 trẻ, với 9 nhóm lớp. Trong đó, 7 nhóm lớp mẫu giáo lớp còn lại là nhóm lớp trong độ tuổi nhà trẻ.

Những năm qua, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của nhà trường luôn đạt tỷ lệ 100%. Trung bình, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 0-5 tuổi ra lớp của nhà trường đạt trên 75%.

Theo cô Lê Thị Lan Anh - Hiệu trưởng nhà trường, thuận lợi của nhà trường trong công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) đó là luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn.

Mặc dù, nhà trường đóng trên địa bàn đông dân cư. Tuy nhiên, ngoài hệ thống trường công lập, trên địa bàn còn có các trường mầm non tư thục. Vì vậy, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng tối đa yêu cầu trong việc huy động trẻ ra lớp.

Đối với Đề án phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi, cô Lan Anh cho rằng, việc triển khai sẽ khó khăn hơn so với công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Một trong những nguyên nhân là do sự quan tâm của phụ huynh về việc đến trường của con em mình trong độ tuổi này chưa nhiều so với trẻ 5 tuổi.

Thậm chí, một số gia đình lại có nguyện vọng để ông bà chăm sóc tại nhà,... Vì vậy, công tác huy động trẻ ra lớp ở độ tuổi này sẽ gặp khó khăn hơn.

Cô giáo Phạm Thị Kim và các bé ở Trường Mầm non Đông Thọ B, TP Thanh Hóa.

Cô giáo Phạm Thị Kim và các bé ở Trường Mầm non Đông Thọ B, TP Thanh Hóa.

“Năm học này, nhà trường đã có kiến nghị và cũng được UBND phường quan tâm, đồng thời trình kế hoạch, phương án lên HĐND thành phố về việc di dời địa điểm học tập sang mặt bằng mới có diện tích rộng hơn. Mục tiêu nhằm đảm bảo cho công tác phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi và tiến tới công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2”, cô Lan Anh chia sẻ.

Cũng theo cô Lan Anh, Trường Mầm non Đông Thọ B đã được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2016. Hệ thống phòng học cơ bản đáp ứng, tuy nhiên do được xây dựng từ những năm 1990, nên diện tích chật hẹp, nhiều hạng mục xuống cấp nhất là khu vực nhà bếp.

Về chất lượng đội ngũ, nhà trường rất quan tâm chú trọng, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện nay là 24. Trong năm học này, trường có thêm 2 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp thành phố.

“Mặc dù trường vẫn còn số lượng GV hợp đồng, song các cô rất gắn bó, chịu thương, chịu khó, nhiệt tình chấp nhận khó khăn. Vì vậy, cũng đỡ đi nỗi lo phần nào cho ban giám hiệu”, cô Lan Anh nói.

Đối với công tác giáo dục kỹ năng cho trẻ, cô Lan Anh cho biết, nhà trường luôn chú trọng tổ chức thường xuyên, xuyên suốt năm học thông qua các hoạt động học tập, vui chơi hàng ngày. Các hoạt động này giúp trẻ cải thiện và nâng cao những kỹ năng cần thiết.

Nâng chế độ đãi ngộ cho cán bộ phổ cập

Là một huyện thuộc khu vực trung du miền núi, song những năm qua công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi của huyện Cẩm Thủy đã đạt được thành quả đáng khích lệ. Toàn huyện có tổng số 19 trường mầm non với 34 điểm trường. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp trung bình đạt trên 95%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%.

Bà Lê Thị Hạnh - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy cho biết, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy và học của địa phương về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, 100% trường mầm non đã tổ chức bếp ăn bán trú, mức ăn cùng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từng bước được UBND huyện quan tâm sát sao.

Lễ hội đến trường của các bé Trường Mầm non Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), năm học 2022-2023.
Lễ hội đến trường của các bé Trường Mầm non Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), năm học 2022-2023.

Đối với Đề án phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi, theo bà Hạnh khó khăn khi triển khai đề án này đó là tỷ lệ chuyên cần ra lớp chưa cao.

“Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ đi làm ăn xa nên việc đưa đón trẻ ra lớp chưa được thường xuyên. Đặc biệt là mức độ quan tâm của phụ huynh trong việc đưa trẻ ra lớp ở độ tuổi này chưa được như các cấp học khác, nhất là các bé trong độ tuổi 3 tuổi”, bà Hạnh nói.

Mặc dù, hệ thống cơ sở vật chất, phòng học cơ bản đáp ứng, song bà Hạnh cho biết hiện đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị hiện đại ở các điểm trường lẻ chưa được đồng đều và đang có dấu hiệu xuống cấp.

Cô Nguyễn Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Ngọc cho biết, nhà trường cũng có những thuận lợi khi triển khai phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi. Trước hết là sự quan tâm của các cấp, ngành và phụ huynh học sinh đối với bậc học. Hệ thống cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo kiên cố cho việc dạy, học.

Ngoài ra, kinh nghiệm từ công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi tạo đà cho việc tiến tới phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi.

“Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tương đối đầy đủ, tuy nhiên với đồ chơi ngoài trời hiện nay của nhà trường vẫn chưa được đồng bộ, có dấu hiệu xuống cấp, nhất là ở điểm trường lẻ. Vì vậy, nhà trường cũng mong muốn được đầu tư thêm cho đồng bộ”, cô Thảo cho hay.

Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Cẩm Ngọc có tổng số 435 trẻ, trong đó 365 trẻ mẫu giáo, còn lại là các bé trong độ tuổi nhà trẻ. Nhà trường có 2 điểm trường, với tỷ lệ trẻ là em người đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 70%, còn lại là dân tộc Kinh.

“Với Đề án phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi, theo tôi nên có chính sách, kinh phí rõ ràng cho công tác này. Hiện nay phần lớn những người thực hiện công tác này đều đang kiêm nhiệm. Vì vậy, nên cân nhắc nâng chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ làm công tác phổ cập”, bà Lê Thị Hạnh - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ