PGS.TS Trần Tiến Khoa: Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần vào xếp hạng đại học

GD&TĐ - Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đã tạo nên những phát triển đột phá trong nghiên cứu khoa học nói riêng, đồng thời góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH.

Nhóm nghiên cứu mạnh về Hóa sinh và Dinh dưỡng thực phẩm do PGS.TS Phạm Văn Hùng làm trưởng nhóm, thuộc IU đang tiến hành thí nghiệm. Ảnh: TG
Nhóm nghiên cứu mạnh về Hóa sinh và Dinh dưỡng thực phẩm do PGS.TS Phạm Văn Hùng làm trưởng nhóm, thuộc IU đang tiến hành thí nghiệm. Ảnh: TG

Đây được xem là chủ trương quan trọng của Bộ GD&ĐT trong việc phát triển NCKH ở các trường ĐH. Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (IU)- ĐHQG TPHCM.

- Việc triển khai nhóm nghiên cứu mạnh tại IU diễn ra như thế nào, thưa ông? 

- Trường ĐH Quốc tế (IU) là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và khoa học xã hội (kinh tế, tài chính, quản lý và ngôn ngữ Anh). Trường đặt mục tiêu trở thành một trong những trường ĐH định hướng nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực, có khả năng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. 

Do đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của IU góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Đại học Quốc gia nói chung và của trường nói riêng đối với xã hội và người học. Nhà trường đã lập kế hoạch để đầu tư phát triển cho nhiều nhóm nghiên cứu mạnh mang tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Cụ thể, trường đã hình thành 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc 11 lĩnh vực. Các nhóm này đã hoạt động nghiên cứu khoa học rất sôi nổi và góp phần nâng tầm năng lực nghiên cứu của nhà trường. Trong đó phải kể đến các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực tự nhiên và kỹ thuật như: Kỹ thuật Y sinh do GS.TS Võ Văn Tới làm trưởng nhóm được ĐHQG TPHCM đánh giá cao và được đầu tư kinh phí năm để phát triển; Nhóm nghiên cứu về Hóa sinh và Dinh dưỡng thực phẩm do PGS.TS Phạm Văn Hùng làm trưởng nhóm cũng được Quỹ Nafosted xét là nhóm nghiên cứu mạnh và được tài trợ kinh phí để nghiên cứu; nhóm nghiên cứu về Hóa tính toán của PGS.TS Huỳnh Kim Lâm; nhóm nghiên cứu về Bioinformatics của PGS.TS Lê Thị Lý. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu Tái lập trình bộ gen và Y sinh tái tạo của PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, nhóm nghiên cứu về Công nghệ sinh học thực vật của PGS. TS Nguyễn Phương Thảo, nhóm nghiên cứu tối ưu và điều khiển của GS.TS Phạm Hữu Anh Ngọc, nhóm nghiên cứu khoa học không gian của PGS.TS Phan Bảo Ngọc, nhóm nghiên cứu về công nghệ thông tin của PGS.TS Nguyễn Thúy Loan... cũng được ĐHQG TP HCM đánh giá rất cao. 

Trong những năm gần đây, nhà trường cũng đã chú trọng phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Qua đó đã phát triển được 2 nhóm nghiên cứu tiêu biểu là về Nghiên cứu hành vi đổi mới sáng tạo của tổ chức của PGS.TS Nguyễn Văn Phương và Hành vi và quản trị khởi nghiệp của PGS.TS Mai Ngọc Khương. 

PGS.TS Trần Tiến Khoa. Ảnh: TG
PGS.TS Trần Tiến Khoa. Ảnh: TG

- Ông có thể chia sẻ thêm về hiệu quả mà các nhóm nghiên cứu mạnh của trường mang lại? 

- Hiện nay các nhóm nghiên cứu của nhà trường đã rất tích cực tham gia đề tài, dự án các cấp. Trong đó có những đề tài mang tính ứng dụng và tính xã hội hóa cao như đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sinh sản tạo bò thịt nhân bản” do PGS.TS Nguyễn Văn Thuận làm chủ nhiệm; đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long” của PGS.TS Nguyễn Phương Thảo được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ. Hoặc như đề tài “Biến dị di truyền của các gen chủ chốt trong chuyển hóa thuốc chống kết tập tiểu cầu ở bệnh nhân tim mạch Việt Nam” của PGS.TS Lê Thị Lý được Quỹ Vingroup tài trợ. Ngoài ra các nhóm nghiên cứu của trường còn tham gia các đề tài dự án của Quỹ Nafosted, sở KH&CN các tỉnh, cấp ĐHQG, cấp cơ sở và các đề tài hợp tác nước ngoài. Tổng kinh phí được tài trợ hàng năm đạt gần 40 tỷ đồng.

Ngoài việc thực hiện các đề tài mang tính ứng dụng cao, các nhóm nghiên cứu của IU cũng rất xuất sắc trong công bố đỉnh cao. Năm học 2019 - 2020, các nhóm nghiên cứu của IU đã công bố tổng cộng 174 bài trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus, nâng tỷ lệ công bố bài báo thuộc danh mục WoS/scopus đạt 1,4 bài báo/Tiến sĩ/năm. Trong đó tiêu biểu như các nhóm nghiên cứu Kỹ thuật Hóa học công bố 27 bài; nhóm Kỹ thuật Y sinh công bố 22 bài; nhóm tối ưu và điều khiển công bố 17 bài; nhóm công nghệ Thực phẩm công bố 11 bài; nhóm tính toán sinh học công bố 9 bài. Đây là những thành tích đáng tự hào của các nhóm nghiên cứu góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của Đại học Quốc gia và IU. Các kết quả này cũng góp phần vào các kết quả xếp hạng của ĐHQG TPHCM và các kết quả kiểm định của IU. 

Từ các kết quả hoạt động KH&CN tiêu biểu như trên, các nhóm nghiên cứu của nhà trường đã nhận được các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế như: 1 cá nhân đạt giải thưởng L’Oreal-UNESCO for Women in Science-International Rising Talent của UNESCO-Paris; 2 cá nhân đạt giải thưởng ASEAN-US Prize for Women in Science của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ; 1 cá nhân đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ KH&CN; 2 giải Nhất giải thưởng Sáng tạo TPHCM; 3 giải thưởng Quả cầu vàng; nhiều tập thể và cá nhân đạt giải thưởng KH&CN thường niên của ĐHQG; 1 cá nhân có trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới; 1 cá nhân có trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc của châu Á.

- Theo ông, để nhóm nghiên cứu mạnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới thì cần làm gì thêm?

- Để hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự có hiệu quả cần phải có đội ngũ các nhà khoa học giỏi, có tâm và niềm say mê nghiên cứu khoa học để thực hiện các đề tài nghiên cứu có ích cho xã hội và công bố các kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí quốc tế uy tín. Các nhóm nghiên cứu mạnh cần được đầu tư mọi nguồn lực về cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho các nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Họ được tạo môi trường thuận lợi để phát triển các nghiên cứu liên ngành, có tính ứng dụng thực tế và khả năng chuyển giao công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần chế độ lương và khen thưởng hợp lý để họ tập trung toàn bộ thời gian cho nghiên cứu khoa học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ