Tạo cơ chế “đặc biệt”
Theo thống kê, cả nước hiện có 945 nhóm nghiên cứu. Một số cơ sở giáo dục ĐH đã có quyết định thành lập các NNCM theo tiêu chí riêng của mình, chẳng hạn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… Tuy nhiên, chưa có chế tài khuyến khích hỗ trợ và phát triển các nhóm nghiên cứu này.
Cũng theo thống kê của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, sau 10 năm tài trợ triển khai cho nghiên cứu cơ bản, số lượng công bố của Việt Nam đã tăng đáng kể so với trước đây (gần 900 bài báo thuộc hệ thống ISI (Viện Thông tin Khoa học), gần 8300 bài báo thuộc hệ thống Scopus (cơ sở dữ liệu thư mục) năm 2018 so với gần 50 bài báo ISI, gần 1800 bài Scopus).
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Đại Lâm, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, sự gia tăng về số lượng bài báo nêu trên là rất đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…thì số lượng bài báo ISI/ Scopus của chúng ta còn khá khiêm tốn. Bên cạnh việc cần gia tăng số lượng công bố, mặt khác, vấn đề nâng cao chất lượng nghiên cứu/chất lượng công bố đang trở nên cấp thiết. Muốn đáp ứng được yêu cầu mới đó cần phải có những NNCM, với hạt nhân là những nhà khoa học.
Theo GS.TS Trần Đại Lâm, NNCM là vấn đề không mới trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Để có các trường ĐH định hướng nghiên cứu đẳng cấp quốc tế hay các trung tâm xuất sắc với những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng có hàm lượng KH cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế, thì việc sớm ban hành các giải pháp tổng thể, đồng bộ về chính sách KHCN nói chung, tạo cơ chế “đặc biệt” cho NNCM nói riêng là vấn đề then chốt.
Ảnh minh họa/ Internet |
Nhân lực là vấn đề sống còn
Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐHQG Hà Nội, căn cứ vào tình hình thực tiễn về năng lực nghiên cứu của cán bộ, cơ sở vật chất trang thiết bị của các đơn vị, tiềm năng ngân sách hỗ trợ của từng trường đại học, chúng ta sẽ hoạch định tiêu chí xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu, đặt kế hoạch theo đơn vị trực thuộc, theo lĩnh vực chuyên môn hoặc theo số lượng mong muốn. Tuy nhiên, dân gian cũng có câu “trông giỏ, bỏ thóc”, việc đầu tư xây dựng, phát triển nhóm NCM cần bắt đầu từ các nhóm vốn đã mạnh trong nội bộ từng trường.
Để duy trì hoạt động của nhóm NC, GS.TS Phạm Hùng Việt cho rằng, nhân lực là vấn đề sống còn cho NNCM. Giữ vai trò trưởng nhóm của các nhóm nghiên cứu mạnh phải là những nhà nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế, có định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển của nhóm, có khả năng mở ra những hướng nghiên cứu triển vọng tiếp theo, có khả năng huy động nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
Hỗ trợ cho trưởng nhóm về công việc quản lý, điều hành các dự án nghiên cứu là các trưởng nhánh, cán bộ hạt nhân, những người có uy tín khoa học trong nước và có công bố quốc tế, có định hướng phát triển theo các hướng chuyên sâu, có khả năng điều hành dự án, đề tài… Bên cạnh những nhân vật chủ chốt, còn có những thành viên có thể thay đổi như các thực tập sinh, tiến sĩ, nghiên cứu sinh… Dù không phải là thành cố định như trưởng nhóm, trưởng nhánh, nhưng họ là những người thi tốt các dự án nghiên cứu và là lực lượng quan trọng, làm việc toàn thời gian trong nhóm nghiên cứu mạnh.
Hoạt động của nhóm NNCM cần được đánh giá định kỳ hàng năm với những kết quả cụ thể: Tạo ra những nghiên cứu có chất lượng được khẳng định bằng số lượng các công trình khoa học, đặc biệt có bài báo quốc tế trong hệ thống dữ liệu Scimago. Và theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến như Mỹ, Autralia hay Singapore…các NNCM cũng như các cán bộ KH đã được phong học hàm GS/PGS… sau thời sau gian khoảng 5 năm, cần được đánh giá lại, nhằm “giữ lửa” cho hoạt động của tổ chức này.