PGS Tạ Hải Tùng chia sẻ lý do trở về nước làm việc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước khi quyết định về nước, PGS-TS Tạ Hải Tùng nhận được một số lời mời ở lại nước ngoài nhưng ông từ chối và chọn trở về.

PGS.TS Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận Huân chương Công trạng Italia. Tước hiệu Hiệp sỹ do Đại sứ Italy Antonio Alessandro thay mặt Tổng thống Italy Sergio Mattarella trao tặng 4/2021.
PGS.TS Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận Huân chương Công trạng Italia. Tước hiệu Hiệp sỹ do Đại sứ Italy Antonio Alessandro thay mặt Tổng thống Italy Sergio Mattarella trao tặng 4/2021.

'Nếu chúng ta không cùng nhau quyết tâm đặt những viên gạch đầu tiên thì ai sẽ làm', PGS. TS Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông,Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

PGS. TS Tạ Hải Tùng có quãng thời gian gần 7 năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Trong thời gian đó, ông đã nghiên cứu, làm việc ở các đại học, Viện nghiên hàng đầu như Đại học Bách khoa Torino, Viện Nghiên cứu Cao cấp Mario Boella (CH Italia); Đại học New South Wales (Úc).

Trước khi quyết định về nước, PGS. TS Tạ Hải Tùng nhận được một số lời mời ở lại nước ngoài làm việc, nhưng ông từ chối và chọn trở về.

PGS. TS Tạ Hải Tùng chia sẻ: “Lúc quyết định về nước tôi chỉ nghĩ đơn giản, lĩnh vực “định vị sử dụng vệ tinh – satellite navigation” mà tôi theo đuổi đang rất “hot” trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng. Tuy nhiên, ở nước ta còn quá ít người theo đuổi lĩnh vực này một cách thực sự chuyên sâu. Vì vậy, tôi về nước để làm việc.

Khi trở về nước, tôi rất may mắn khi được Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và các đồng nghiệp ủng hộ cộng với sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế đã giúp tôi và đồng nghiệp cùng phát triển Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS). Nay NAVIS đã trở thành một trong những trung tâm lớn mạnh không những ở Việt Nam mà còn ở trong khu vực ở lĩnh vực này”.

Theo PGS. TS Tạ Hải Tùng, càng đi nhiều nơi, tôi càng nhận ra tiềm năng vô cùng to lớn của dân tộc. Một dân tộc hiếu học với đức tính cần cù, chịu khó; Nước ta lại đang bước vào thời điểm dân số vàng nên rất cởi mở với những cái mới, đó là nguồn tài nguyên nhân lực vô giá.

“Tôi vẫn luôn chia sẻ với các sinh viên, vào được Bách khoa, thi đỗ được vào được Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông là các em đã chứng minh được những phẩm chất tư duy rất tốt của mình.

Những người có tư duy tốt ngoài việc nỗ lực học tập, nghiên cứu, làm việc để phát triển bản thân và gia đình, còn có sứ mệnh phát triển cộng đồng, lan tỏa giá trị nhân văn để góp phần tạo ra một thế hệ trẻ có trách nhiệm với xã hội; chung vai gánh vác đưa đất nước đi lên những tầm cao mới vì vậy cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa”, PGS. TS Tạ Hải Tùng nói.

“Khi nghề giáo đang được cả xã hội tôn vinh, tôi nghĩ nhiều hơn đến vai trò và sứ mệnh của những người tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trách nhiệm của chúng tôi với sự phát triển bền vững của đất nước thông qua đào tạo những lứa công dân trẻ văn minh, hội nhập là rất nặng nề nhưng đó chắc chắn là một sứ mệnh vinh quang.

Những người làm giáo dục đều rất tâm huyết, luôn sẵn sàng gánh vác sứ mệnh đó. Vì vậy, chúng tôi mong nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ của xã hội và cộng đồng để có thể hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình”, PGS Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...