Peru trước cơn sóng cả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 14/12, Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 30 ngày, theo đó cảnh sát và các lực lượng vũ trang 'sẽ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ'.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các quyền như hội họp, tự do đi lại, bất khả xâm phạm về nhà ở của người dân cũng bị đình chỉ. Đất nước có thể áp đặt lệnh giới nghiêm về đêm.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Luis Alberto Otarola cho biết, các biện pháp trên nhằm “ngăn chặn các hành vi bạo lực và phá hoại”, từ đó, đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự trên toàn lãnh thổ.

“Chúng tôi nhất trí tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do có các hành động phá hoại và bạo lực. Chính phủ cần có phản ứng cứng rắn”, Bộ trưởng Luis Alberto Otarola nhấn mạnh.

Việc Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính quyền tân Tổng thống Dina Boluarte và yêu cầu trả tự do cho cựu Tổng thống Pedro Castillo.

Trên khắp đất nước, người dân tràn ra đường biểu tình, làm đình trệ hệ thống giao thông, hàng không, thậm chí là du lịch. Đáng chú ý, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát.

Trong những ngày qua, Peru đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng khi cựu Tổng thống Pedro Castillo quyết định giải tán Quốc hội và thành lập chính phủ mới. Động thái này được coi là hành động “đảo chính” và khiến Pedro Castillo bị phế truất. Tuy nhiên, khi Phó Tổng thống Dina Boluarte nhậm chức Tổng thống lâm thời, làn sóng phản đối đã “nhấn chìm” đất nước.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Peru rơi vào khủng hoảng chính trị. Chỉ trong 6 năm qua, Peru đã thay đổi 7 đời tổng thống trong khi hầu hết số đó không thể hoàn thành nhiệm kỳ. Tuy nhiên, làn sóng lần này đã và đang tiếp tục dâng cao và không thể kìm hãm trong thời gian ngắn, thậm chí đã tác động sâu lên nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội của cả nước.

Đầu tiên, các cuộc biểu tình làm gián đoạn việc di chuyển trên cả nước khi tình hình đường bộ, đường hàng không qua một số vùng bị tắc nghẽn, khiến việc di chuyển đình trệ. Nhiều chuyến tàu bị đình trệ, các chuyến bay bị huỷ hoặc hoãn lại.

Di chuyển đình trệ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế khi việc vận chuyển, giao thương hàng hóa bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, vốn đã bị gây ra bởi lạm phát sau khi xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine. Tiếp đó, biểu tình phản đối chính phủ cũng gây ra rạn nứt xã hội, làm mất niềm tin của người dân đối với chính phủ và giới chính trị nói chung.

Về phía Chính phủ, Tổng thống đương nhiệm hiện nay, bà Dina Bouarte, cũng là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này, đáng đối mặt với nhiều nghi vấn. Khi trở thành Tổng thống, bà Dina mong muốn cải cách chính trị, ngưng xung đột để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, chống tham nhũng. Nữ Tổng thống không muốn lặp lại vết xe đổ của nhiều người tiền nhiệm.

Trái ngược mong muốn của bà Dina, giới chính trị lẫn nhiều người dân Peru vẫn coi thường nữ Tổng thống vì bà là phái yếu. Khả năng cầm quân của bà bị nghi ngờ, thậm chí là phủ nhận.

Tình huống này giống như ông Pedro, bà Dina lên nắm quyền khi không thực sự có nhiều ủng hộ và không có đảng chính trị nên bà vẫn bị coi là sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự với người tiền nhiệm.

Ngoài ra, không rõ bà Dina sẽ xử lý cựu Tổng thống Pedro ra sao. Đây là một câu hỏi bỏ ngỏ vì nữ Tổng thống vẫn còn cần thời gian nắm bắt tình hình chung của đất nước, nguyện vọng lẫn tâm tư của đông đảo người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ