Peru dậy sóng

GD&TĐ - Đất nước Nam Mỹ Peru đang trở thành điểm nóng mới của thế giới khi Tổng thống đương nhiệm Pedro Castillo bị phế truất và bắt giam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đất nước Nam Mỹ Peru đang trở thành điểm nóng mới của thế giới khi Tổng thống đương nhiệm Pedro Castillo bị phế truất và bắt giam, chính phủ mới ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Theo lệnh của chính quyền mới, quân đội Peru đang được triển khai hỗ trợ cảnh sát ứng phó với các cuộc biểu tình từ những người ủng hộ ông Pedro Castillo, người bị phế truất hôm 7/12. Các cuộc đụng độ với cảnh sát khiến nhiều người biểu tình thiệt mạng, trong khi một số sân bay và tuyến đường bị phong tỏa.

Tình hình tại Peru vốn căng thẳng thời gian qua đột ngột bùng phát dữ dội vào thời điểm hôm 6/12, khi Tổng thống Pedro Castillo tuyên bố sẽ giải tán Quốc hội và lập chính phủ khẩn cấp đặc biệt để thiết lập lại pháp luật. Ngay lập tức Quốc hội và tòa án Peru cáo buộc ông Pedro âm mưu đảo chính nên đã phế truất và bắt giữ ông.

Động thái này đưa ông Pedro vào danh sách các tổng thống mới nhất của Peru bị lật đổ. Hồi tháng 11/2020, nước này từng có 3 tổng thống chỉ trong vòng một tuần. Tuy nhiên, việc ông Pedro bị phế truất và bắt giữ vẫn gây chú ý lớn vì mọi việc diễn ra quá nhanh.

Tuyên bố sẽ giải tán Quốc hội của ông Pedro trước đó gây ra cú sốc lớn trên chính trường, dẫn đến một loạt thành viên nội các của ông, gồm cả phó tổng thống, từ chức để phản đối. Điều đó dẫn đến quyết định nhanh chóng của Quốc hội Peru triệu tập cuộc họp khẩn để luận tội ông Pedro.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Pedro Castillo, 53 tuổi, vốn gặp sóng gió ngay từ ngày đầu khi chính trị gia xuất thân là giáo viên theo cánh tả này đắc cử. Ông được đánh giá là không có nhiều kinh nghiệm chính trị và đặc biệt là phải đối mặt với một Quốc hội thuộc phe đối lập nên rất khó trong việc điều hành. Trong 17 tháng cầm quyền của ông đã có tới 5 đời thủ tướng.

Tình thế rối ren khiến ông đi đến một quyết như một canh bạc là giải tán Quốc hội. Giới phân tích cho rằng, ông đã lựa chọn biện pháp táo bạo này với hy vọng người dân Peru sẽ ủng hộ chính phủ khẩn cấp mà ông lập ra hơn là một Quốc hội chia rẽ.

Nhưng kết quả đã hoàn toàn ngược lại khi các thành viên nội các lần lượt rời bỏ ông ngay sau quyết định này, mở đường để Quốc hội triệu tập họp khẩn và bỏ phiếu phế truất ông Pedro Castillo và đưa Phó Tổng thống Dina Boluarte lên làm Tổng thống lâm thời.

Gia đình ông Pedro Castillo đã chạy đến Đại sứ quán Mexico để xin tị nạn chính trị, nhưng bị cảnh sát chặn lại giữa đường. Tổng thống bị lật đổ bị đưa đến đồn cảnh sát để chờ xét xử với cáo buộc nổi loạn.

Từ đây tình hình bất ổn dâng cao khi các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra khắp nơi, gồm cả những người ủng hộ ông Pedro và những người phản đối Quốc hội, đẩy Peru sa lầy sâu vào khủng hoảng chính trị.

Tình hình đang khiến Tổng thống lâm thời Dina Boluarte liên tục phải thay đổi quyết định. Ban đầu, bà tuyên bố sẽ giữ chức đến hết nhiệm kỳ của ông Castillo vào năm 2026. Sau đó, bà đề xuất tổ chức bầu cử trước hai năm vào năm 2024. Tới ngày 15/2 bà lại đề nghị tổ chức bầu cử sớm hơn là vào năm 2023.

Nhưng điều này cũng không giúp tình hình dịu lại khi những người biểu tình ủng hộ ông Pedro xuất hiện khắp nơi, bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Khi sự bất mãn và hỗn loạn gia tăng, Tổng thống lâm thời Dina Boluarte cũng sẽ khó có điều kiện để gắn kết đất nước, điều mà bà đã tuyên bố khi nhậm chức và cuộc khủng hoảng Peru vì thế sẽ chưa thể kết thúc sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.