Peru: Công nghệ “cũ” kết nối người học

GD&TĐ - Do sự bùng phát của đại dịch, các địa phương tại Peru đã áp dụng phương pháp giảng dạy qua truyền hình. Nhờ vậy, những học sinh không thể tiếp cận với Internet được tiếp tục việc học trong thời Covid-19.

Delia học trên truyền hình mỗi ngày.
Delia học trên truyền hình mỗi ngày.

Trong một khu ổ chuột trên sườn đồi ở Lima (Peru), mỗi ngày học của Delia Huamani đều bắt đầu với tiếng tivi nhấp nháy. Khi các trường tại đây đóng cửa vô thời hạn, các học sinh được yêu cầu học ở nhà thông qua chương trình giáo dục phát sóng mỗi ngày.

Delia (10 tuổi) chia sẻ, cha mẹ em không có đủ tiền mua sách và cũng không kiểm tra bài tập của cô bé. Delia và bạn - Katy Bautista (12 tuổi) thường trao đổi và giải thích kiến thức cho nhau. Học trên truyền hình mang lại một lợi thế lớn đối với Delia, Katy cũng như hàng loạt học sinh khác, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Sau nhiều thập kỷ, giáo dục truyền hình được cho là đã lấy lại “hào quang”. Với mong muốn giúp nhiều người trẻ được tiếp cận với giáo dục, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng giảng dạy bằng công nghệ cũ. 

Nhằm thu hút sự chú ý của người học, diễn viên và người dẫn chương trình nổi tiếng tại địa phương, cũng như các giáo viên đều được kêu gọi xuất hiện trên sóng truyền hình Peru. 

Raissa Fabregas - Giáo sư kinh tế và các vấn đề công tại Trường Đại học Texas ở Austin và là người từng nghiên cứu về truyền hình giáo dục ở Mexico, cho biết: “Lý tưởng nhất là người học có máy tính xách tay và tất cả những công nghệ mới này ở nhà. Nhưng nếu bạn không có chúng, truyền hình giáo dục vẫn hơn là không”.

Mặc dù, các bài học trên truyền hình không mang lại sự tương tác như lớp học trực tuyến, nhưng các chuyên gia cho biết, chương trình phát sóng sẽ giúp trẻ tiến bộ trong học tập. Từ đó, tạo tiền đề cho sự thành công và phát triển xã hội của người học.

Để khiến truyền hình giáo dục bớt thụ động và hiệu quả hơn, nhiều quốc gia đã phát sóng bài học một cách chuyên nghiệp, như tuyển dụng người viết kịch bản, hoạt hình 3D, cảnh quay đa hình, đồ họa và thậm chí cả ứng dụng điện thoại thông minh liên quan.

Tại Mỹ, một số địa phương tập trung vào việc mở lại trường học, thay vì phát triển hệ thống học từ xa. Trong khi đó, không ít nơi phát triển chương trình học trực tuyến. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng không thể áp dụng đối với 4 triệu học sinh không có kết nối Internet ở nhà.

Truyền hình giáo dục được coi là phương tiện chi phí thấp có thể thay thế cho học trực tuyến và “cứu cánh” học sinh khó khăn.

“Có bao nhiêu cha mẹ đang cố gắng tìm cách vượt qua một ngày trong khi con của họ chỉ xem tivi hoặc iPad? Chúng tôi có thể làm được rất nhiều điều tốt nếu những người ở vị trí đáng tin cậy với các gia đình này có thể chỉ cho họ một số nội dung tích cực”, Melissa S. Kearney - Giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Maryland, nhấn mạnh. 

Từ tháng 3, nhiều nơi trên thế giới đã phát sóng chương trình học trên truyền hình, với những chiến lược khác nhau. Các chương trình bao gồm từ ghi âm bài học trên lớp, đến phim hoạt hình giáo dục. Một số nơi tập trung vào nhóm tuổi, trong khi những quốc gia khác như Peru, đã điều chỉnh chương trình quốc gia cho tất cả các lớp.

Peru - quốc gia nghèo với 32 triệu dân, là một trong những nơi gặp nhiều khó khăn nhất thế giới do Covid-19. Chỉ với 15% học sinh trường công lập có thể sử dụng máy tính ở nhà, các bài học trên sóng phát thanh đã trở thành phương thức học tập nổi trội hiện nay.

Trong một cuộc khảo sát của chính phủ vào tháng 6, 3/4 phụ huynh cho biết, con họ học tập thông qua chương trình truyền hình. Hầu hết người học đều nộp bài tập về nhà cho giáo viên thông qua WhatsApp.

Heli Estela - một giáo viên trung học ở vùng Andean của Cajamarca, phía Bắc Peru, cho biết: “Sẽ rất thuận lợi đối với những học sinh biết cách tự học. Và chúng tôi có những người học như vậy. Với sự chủ động, họ có thể tự tìm tòi kiến thức. Tuy nhiên, không có nhiều học sinh có thể làm được điều đó”.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.