Pakistan: Thách thức và thành tựu sau một năm Covid-19

GD&TĐ - Trường học tại Pakistan đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Nhiều học sinh không thể duy trì việc học khi nhà trường đóng cửa, gây ra những tác động trong nhiều năm tới.

Học sinh Pakistan trở lại trường học từ giữa tháng 9.
Học sinh Pakistan trở lại trường học từ giữa tháng 9.

Ngày 13/9, Pakistan tái mở cửa các trường công lập và tư thục tại quận Punjab, Khyber Pakhtunkhwa. Mỗi ngày không quá 50% số học sinh nhà trường đi học. Học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường trên 15 tuổi phải tiêm phòng bắt buộc.

Trường học tại Pakistan đã đóng cửa trong gần 7 tháng từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Họ đã mở cửa trở lại vào tháng 9/2020 nhưng phải đóng cửa vào tháng 11. Hơn một năm dịch Covid-19, giáo dục quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức.

Khi Covid-19 xuất hiện, chính phủ đã xây dựng nhiều phương án và chính sách hỗ trợ tối đa việc học tập của học sinh. Gần đây, Bộ Giáo dục quyết định tặng 33% điểm cho học sinh thi trượt trong kì thi cuối năm học. Tuy nhiên, tính hiệu quả của những biện pháp trên vẫn chưa cao.

Giáo dục Pakistan vốn gặp khó khăn bởi sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa trường công và tư thục. Tỷ lệ biết chữ tại quốc gia này còn thấp. Đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến việc học tập của khoảng 40 triệu học sinh trên khắp đất nước.

Phụ huynh Alia Malik cho biết: “Khơi gợi hứng thú và động lực để trẻ tham gia học trực tuyến là thách thức lớn nhất đối với phụ huynh vì trẻ em không thích mô hình học này. Ngược lại, khi có thiết bị công nghệ, các cháu dành nhiều thời gian cho giải trí”.

Muhammad Qadeer, giáo viên một trường trung học tại Pakistan, nhận xét, lứa tuổi học sinh đang trải qua giai đoạn phát triển quan trọng về tinh thần và thể chất. Nếu thiếu sự quan tâm sát sao, thường xuyên của nhà trường và các hoạt động giáo dục, không chỉ học tập mà nhận thức của các em cũng bị ảnh hưởng.

Năm học 2020 - 2021, Pakistan ghi nhận nhiều học sinh bỏ học do Covid-19 tác động lên tài chính của các gia đình. Nền kinh tế quốc gia này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Ngân hàng Thế giới thông báo ước tính đến nay, hơn 930 nghìn trẻ em thế giới đã bỏ học ở bậc tiểu học và trung học. Trong đó, Pakistan là quốc gia được dự đoán có số lượng học sinh bỏ học cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức, nền giáo dục Pakistan dã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Bà Yasmeen Hameed, chuyên gia giáo dục đánh giá qua hơn một năm, đất nước này đã học được cách vận hành và duy trì các lớp học trực tuyến.

“Giáo viên đã điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với tình hình học trực tuyến. Học sinh cũng dần quen thuộc với mô hình này”, bà Hameed cho biết.

Ông Zulfiqar Samin, đại diện Bộ Giáo dục Pakistan, bày tỏ: “Chúng tôi đã cố gắng duy trì học tập thông qua các kênh radio, TV. Phụ huynh cũng phối hợp tích cực với nhà trường và địa phương để chuẩn bị cho việc học trực tuyến”.

Theo ông Samin, những quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ, Đức cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự của việc học trực tuyến. Tương tự các nước, Chính phủ Pakistan tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.